Đảo chính ở Niger: Phái đoàn ECOWAS đến Niamey; Anh, Mỹ sơ tán công dân
Chính quyền quân sự khẳng định không nhượng bộ trước ECOWAS, láng giềng 'mạnh tay' với Niamey là một số tin tức đáng chú ý sau vụ đảo chính ở Niger.
* Phái đoàn ECOWAS đến Niger, phe đảo chính nói gì? Ngày 2/8, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), ông Abdel-Fatau Musah cho biết phái đoàn của khối do Nigeria dẫn đầu đang ở Niger để đàm phán với phe đảo chính lật đổ Tổng thống Mohammed Bazoum tuần trước.
Ủy viên Musah nhấn mạnh giải pháp quân sự là lựa chọn cuối cùng, song “chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản này” một khi Niger không đáp ứng “tối hậu thư” về khôi phục chính quyền dân sự trong tuần.
Trước đó, ngày 30/7, ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Niger, đồng thời cảnh báo có thể sử dụng vũ lực nếu trong 1 tuần chính quyền quân sự ở Niger không phục chức cho Tổng thống Mohammed Bazoum.
Hiện các tướng lĩnh quân sự của ECOWAS cũng đang nhóm họp tại thủ đô Abuja (Nigeria) từ ngày 2-4/8 để thảo luận về tình hình Niger.
Về phần mình, phát biểu trên truyền hình vào đêm trước lễ kỷ niệm độc lập đất nước, người đứng đầu quân đội nắm quyền ở Niamey, Tướng Abdourahamane Tchiani nhấn mạnh: “CNSP (Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc, đang nắm quyền) bác bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt này và không nhượng bộ trước bất kỳ mối đe dọa nào, bất kể chúng đến từ đâu. Chúng tôi từ chối bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của Niger.”
* Nigeria cắt điện, Bờ Biển Ngà đình chỉ xuất nhập khẩu với Niger: Ngày 2/8, AFP (Pháp) dẫn nguồn tin từ Công ty Điện lực Niger (Nigelec) cho biết Nigeria đã cắt đường dây điện cao thế tải điện tới Niger từ 1/8. Về phần mình, một đại lý của Nigelec chỉ ra rằng thủ đô Niamey có điện từ nguồn địa phương.
Theo báo cáo của Nigelec, nhà cung cấp điện duy nhất của Niger, năm 2022, 70% thị phần điện của nước này đến từ công ty Mainstream của Nigeria. Điện sản xuất từ đập Kainji ở phía Tây Nigeria. Nhiều khu dân cư ở Niamey thường xuyên bị cắt điện và quyết định của Nigeria sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Để giảm sự phụ thuộc năng lượng vào láng giềng, Niger đang nỗ lực hoàn thành con đập đầu tiên năm 2025. Nằm cách Niamey 180 km về phía thượng nguồn, đập Kandadji dự kiến sẽ tạo ra 629 gigawatt giờ (GWh) điện hàng năm.
Trong động thái tương tự, Bờ Biển Ngà đã quyết định đình chỉ tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu cũng như các thủ tục thông quan đối với hàng hóa đến từ Niger “cho đến khi có thông báo mới” theo quyết định của ECOWAS.
Quyết định trên đã được thông báo cho các nhà nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa ở Bờ Biển Ngà theo ý kiến của các bộ trưởng phụ trách Ngân sách và Thương mại nước này.
Trước đó, ngày 30/7, ECOWAS đã quyết định trừng phạt phe đảo chính đã lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum hồi tuần trước. Ngoài tối hậu thư khôi phục trật tự hiến pháp và đình chỉ giao dịch tài chính với Niger, ECOWAS đã ra sắc lệnh đóng băng “tất cả các giao dịch dịch vụ, bao gồm cả giao dịch năng lượng”.
Về phần mình, Thủ tướng Nigeria Ouhoumoudou Mahamadou hôm 30/7 tuyên bố: “Các biện pháp trừng phạt sẽ gây tổn hại nặng nề cho đất nước chúng tôi”.
* Mỹ, Anh chuẩn bị sơ tán công dân khỏi Niger: Ngày 2/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh sơ tán một phần đại sứ quán ở Niger. Khuyến cáo đi lại được cập nhật cùng ngày của Mỹ nêu rõ: “Ngày 2/8/2023, Bộ đã ra lệnh sơ tán các nhân viên không thiết yếu và các thành viên gia đình đủ điều kiện từ Đại sứ quán ở Niamey”.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Anh cho biết ưu tiên hàng đầu của nước này là giúp công dân rời khỏi Niger. Viết trên mạng xã hội X (tiền thân là Twitter), Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã khẳng định: “Ưu tiên của chính phủ vẫn là sự an toàn của công dân Anh và giúp họ rời khỏi đất nước một cách an toàn”.