Đảo chính ở Sudan: Mỹ quan ngại sâu sắc, liên tục phát thông báo khẩn; liên minh đối lập kêu gọi phản kháng
Tình hình Sudan tiếp tục căng thẳng sau khi giới chức quân sự ban bố tình trạng khẩn cấp và giải tán chính phủ, trong khi biểu tình chống đảo chính dâng cao.
Ngày 25/10, Nhà Trắng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước những thông tin về cuộc đảo chính quân sự tại Sudan, vốn đi ngược lại nguyên vọng của người dân quốc gia châu Phi này.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nêu rõ: “Chúng tôi phản đối những hành động mà quân đội Sudan gây ra và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Thủ tướng Abdalla Hamdok cùng những người khác đang bị quản thúc”.
Trong khi đó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez cùng ngày cho rằng, cuộc đảo chính của quân đội Sudan sẽ gây ra những hậu quả lâu dài trong quan hệ với Washington và Khartoum nên ngay lập tức đảo ngược tình hình hiện nay.
Ông Menendez nhấn mạnh: “Hành vi chiếm quyền kiểm soát của quân đội Sudan đối với bộ máy quốc gia là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ gây ra những hậu quả lâu dài liên quan quan hệ Mỹ-Sudan”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ cũng kêu gọi quân đội Sudan ngay lập tức trả tự do cho các quan chức chính phủ.
Cùng ngày, Đặc phái viên Mỹ phụ trách khu vực Sừng châu Phi Jeffrey David Feltman cho biết, ông đã cố gắng liên lạc song chưa thể tiếp cận Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok, sau khi quân đội nước này tuyên bố giải tán hội đồng tối cao dân sự và chính phủ chuyển tiếp.
Đại sứ quán Mỹ tại Khartoum đã lên án cuộc đảo chính quân sự tại Sudan, đồng thời kêu gọi quân đội nước này ngay lập tức chấm dứt hành vi bạo lực, phóng thích các quan chức bị bắt giữ và đảm bảo an toàn cho người dân.
Cơ quan này cũng đăng dòng tweet khuyến cáo công dân Mỹ nên trú ẩn tại chỗ và chú ý đến môi trường xung quanh sau khi có thông tin rằng các lực lượng vũ trang sở tại phong tỏa các khu vực trong và xung quanh thành phố này.
Cũng trong ngày 25/10, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo quyết định đình chỉ khoản viện trợ trị giá 700 triệu USD dành cho quá trình chuyển tiếp ở Sudan.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh: “Chính phủ chuyển tiếp do lực lượng dân sự lãnh đạo nên được khôi phục ngay lập tức và đại diện cho nguyện vọng của nhân dân".
Quân đội Sudan đã bắt giữ hầu hết các thành viên Nội các Sudan trong cuộc đảo chính diễn ra trước đó cùng ngày.
Theo Bộ Thông tin Sudan, người đứng đầu hội đồng chủ quyền chuyển tiếp Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan đứng sau vụ tiếm quyền này. Quân đội Sudan hiện đang quản thúc Thủ tướng Abdalla Hamdok sau khi ông từ chối đưa ra tuyên bố ủng hộ cuộc đảo chính.
Theo truyền thông, quân đội vũ trang hạng nặng và lực lượng bán vũ trang đã phong tỏa thủ đô Khartoum và sân bay quốc tế tại thủ đô này.
Về những diễn biến mới nhất tại Sudan, ngày 25/10, trong tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Liên minh Các lực lượng vì tự do và thay đổi (FFC) cho biết sẽ sử dụng mọi hình thức leo thang cách mạng hòa bình, trong đó có biểu tình, phong tỏa các tuyến phố và bất tuân dân sự hoàn toàn, đồng thời đang chuẩn bị cho những cuộc xuống đường chưa từng có tiền lệ của người biểu tình.
Trong khi đó, Bộ Thông tin Sudan cho biết, FFC đã kêu gọi bất tuân dân sự và biểu tình trên khắp đất nước để yêu cầu hội đồng quân sự chuyển tiếp từ chức và chuyển giao quyền lực trở lại cho chính phủ dân sự.
Liên minh này cũng kêu gọi trả tự do cho tất cả những thành viên trong nội các và hội đồng tối cao Sudan bị giam giữ.
Liên quan dư luận quốc tế, ngày 25/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi lập tức thả Thủ tướng Hamdok và tất cả các quan chức khác bị bắt giữ.
Trên tài khoản Twitter, ông Guterres viết: "Tôi lên án cuộc đảo chính quân sự đang diễn ra ở Sudan. Thủ tướng Hamdok và tất cả các quan chức khác phải được trả tự do ngay lập tức. Phải hoàn toàn tôn trọng hiến pháp để bảo vệ tiến trình chuyển tiếp chính trị khó khăn lắm mới đạt được. Liên hợp quốc sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Sudan".
Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Nam Phi (DIRCO) cùng ngày bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc đảo chính và các ý đồ phá hoại quá trình chuyển tiếp chính trị tại Sudan.
Thông cáo của bộ trên nêu rõ, Nam Phi bác bỏ và lên án bất kỳ ý đồ nào nhằm thay đổi chính phủ một cách vi hiến. Pretoria kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Thủ tướng Abdalla Hamdok, các quan chức chính phủ chuyển tiếp và các chính trị gia khác đang bị lực lượng an ninh Sudan giam giữ.
Nam Phi cũng kêu gọi các lực lượng an ninh kiềm chế và bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân Sudan, đồng thời kêu gọi tất cả các bên nối lại đối thoại có ý nghĩa, tham gia một cách thiện chí và khôi phục trật tự hiến pháp của Sudan.
Trong khi đó, Thư ký điều hành của Tổ chức Liên chính phủ về Phát triển (IGAD) của các nước Đông Phi Workneh Gebeyehu lên án mọi hành động gây bất ổn ở Sudan, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tại nước này kiềm chế.
Thông báo báo chí của IGAD dẫn phát biểu của ông Gebeyehu nhấn mạnh, Sudan là quốc gia giữ vai trò chủ tịch hiện tại và là thành viên sáng lập quan trọng của IGAD. Tổ chức này sẵn sàng hỗ trợ chính phủ chuyển tiếp và người dân Sudan củng cố nền hòa bình và những thành tựu dân chủ.
Cũng trong ngày 25/10, các nguồn tin từ giới ngoại giao cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiều khả năng sẽ tổ chức cuộc thảo luận kín về tình hình Sudan vào ngày 26/10 sau khi Anh, Ireland, Na Uy, Mỹ, Estonia và Pháp yêu cầu nhóm họp.