Đảo chính tại Niger: Can thiệp quân sự là giải pháp cuối cùng của ECOWAS
3 ngày sau khi ra tối hậu thư cho lực lượng đảo chính quân sự tại Niger, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nêu rõ, giải pháp can thiệp quân sự vào Niger để khôi phục trật tự Hiến pháp vẫn bỏ ngỏ nhưng là lựa chọn cuối cùng.
Trong một tuyên bố được các nguồn tin khu vực trích dẫn, ông Abdel-Fatau Musah – quan chức cấp cao của ECOWAS khẳng định: can thiệp quân sự không phải phương án ưu tiên, mà là lựa chọn cuối cùng của các nhà lãnh đạo Tây Phi trong xử lí cuộc khủng hoảng tại Niger.
Mặc dù vậy, ECOWAS vẫn đang chuẩn bị cho kịch bản “cực chẳng đã” này. Cũng theo quan chức trên, một phái đoàn chính thức của ECOWAS đang có mặt tại Niger để đàm phán với phe đảo chính.
Trước đó, trong tối hậu thư đưa ra sau cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp tại thủ đô Abuja của Nigeria hôm 30/7, các nhà lãnh đạo Tây Phi yêu cầu phe đảo chính tại Niger trong vòng 1 tuần phải từ bỏ quyền lực và khôi phục trật tự Hiến pháp cùng quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum, nếu không sẽ phải đối mặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, bao gồm cả biện pháp quân sự.
Chính quyền quân sự Niger đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu này, cảnh báo sẽ giáng trả mọi hành động can thiệp từ bên ngoài. Trong khi đó, hai quốc gia láng giềng của Niger là Mali và Burkina Faso ra tuyên bố chung khẳng định: mọi hành động can thiệp quân sự vào Niger đều bị coi là hành động tuyên chiến với hai quốc gia này.
Liên quan đến tình hình thực địa tại Niger, các nguồn tin khu vực cho biết hàng trăm công dân thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, chủ yếu là các nước châu Âu, vẫn đang tập trung tại sân bay quốc tế Niamey để chờ được sơ tán khỏi Niger. Trong khi đó, các tuyến phố chính ở thủ đô Niamey và nhiều thành phố lớn khác của Niger vẫn trong tình trạng căng thẳng cao độ với sự hiện diện của rất nhiều binh sỹ và cảnh sát.
Nhiều nhà quan sát lo ngại, tình hình căng thẳng hiện nay tại Niger có thể dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát xã hội, nhất là sau khi Nigeria thực hiện dừng cung cấp điện cho Niger theo lệnh trừng phạt đã được ECOWAS thống nhất trước đó. Hiện, 70% nguồn cung điện tại Niger là đến từ quốc gia láng giềng Nigeria.