Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 12]

Theodore Herman Albert Dreiser (1871-1945) là nhà viết tiểu thuyết Mỹ với khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa. Ông sinh ra ở Terre Haute, Indiana; là con thứ chín trong gia đình công nhân nghèo, gốc Đức, theo Thiên chúa giáo có 10 con và được nuôi dạy như người Công giáo.

Nhà viết tiểu thuyết Mỹ Theodore Herman Albert Dreiser (1871-1945).

Nhà viết tiểu thuyết Mỹ Theodore Herman Albert Dreiser (1871-1945).

Tuổi thơ của Dreiser rất nghèo khổ, cha ông lại là người có đức tin khắt khe, con người thích uy quyền mà lại thiển cận. Ông học ít, rồi đi làm công nhân không có chuyên môn, làm báo, viết tiểu thuyết rẻ tiền, làm xuất bản khá thành công. Tiểu thuyết sau này của ông phản ánh những trải nghiệm này.

Đời sống xa hoa của người chị làm gái làm tiền loại sang đã trở thành ngôi sao sân khấu, đã gợi cho ông viết Sister Carree (1900) miêu tả xã hội đang thay đổi; truyện viết về một phụ nữ trẻ chạy trốn khỏi cuộc sống nông thôn để lên thành phố (Chicago), không tìm được công việc trả mức lương đủ sống, trở thành con mồi của một số đàn ông và cuối cùng đạt được danh tiếng với tư cách là một nữ diễn viên. Tác phẩm gây bê bối, bị dư luận phản đối, kiểm duyệt can thiệp, tác giả đấu tranh không lại, phải im lặng trong 11 năm.

Năm 1911 ông trở lại vấn đề người phụ nữ “ngoài lề xã hội” trong Jenny Gerhardt, lần này, ông được giới phê bình ủng hộ, được quần chúng đồng tình.

Cuốn Một bi kịch Mỹ (1925) mang lại vinh quang cho tác giả. Công chúng đã trưởng thành và chấp nhận sự thực chua cay. Năm 56 tuổi (1928) Dreiser sang Liên Xô và viết tập du ký về Liên Xô Dreiser nhìn vào nước Nga (1928). Ông còn viết tiểu luận Nước Mỹ bi thảm (1931) miêu tả xã hội Mỹ thời tổng khủng hoảng kinh tế, đề cập biện pháp cải cách để tiến tới một trật tự xã hội công bằng hơn. Truyện ngắn Ernita trong tập Gian trưng bày chân dung phụ nữ (1929) xây dựng hình tượng một phụ nữ chiến sĩ cộng sản chân chính.

Hai kiệt tác của Dreiser là Một bi kịch MỹJenny Gerhardt.

Một bi kịch Mỹ kể về vụ sát hại ở ngoại ô New York, một tội ác thu hút sự chú ý rộng rãi của báo chí. Mặc dù cuốn tiểu thuyết bán rất chạy nhưng nó cũng bị chỉ trích vì miêu tả một người đàn ông vô đạo đức thực hiện một vụ giết người bẩn thỉu. Tác phẩm đã xé tan ảo tưởng về thành tựu của nước Mỹ. Đây là tác phẩm quan trọng của chủ nghĩa hiện thực phê phán Mỹ. Ở một nước Mỹ hiện đại với nước sơn lý tưởng truyền thống, tác giả phát hiện ra xã hội tư bản thối nát: một người dân bình thường bị dục vọng và hư danh lôi cuốn đã trở thành sát nhân. Dreiser có một cái nhìn bi quan, hoài nghi và chán chường.

Ông dựa vào một sự việc và một con người có thật để xây dựng truyện và nhân vật. Trong sáng tác, có lúc ông theo đúng sự việc, có lúc ông lại phản ánh những tình tiết cá nhân của bản thân mình, thí dụ về thời kỳ thơ ấu của mình.

Clyde là con trai mục sư nghèo khó, lang thang và cuồng tín. Anh chịu đựng từ nhỏ một nền giáo dục khắt khe, cuồng tín. Cậu bé sống trong cơ cực, bố mẹ không có thời gian trông nom. Mặt mũi dễ thương, tính tình không phải thuộc loại độc ác, Clyde chỉ phải cái thiếu cương quyết, dễ chạy theo thú vui vật chất và thích khoe khoang. Cậu làm việc cho một quán khách mờ ám từ bé nên tiêm nhiễm nhiều thói xấu. Bị dính vào một vụ lôi thôi và phải bỏ đi. Cậu may gặp một người trong họ, xin việc cho ở nhà máy làm cổ cồn tại thành phố lớn.

Thế giới mới giàu sang làm choáng mắt chàng thanh niên muốn ngoi lên bằng mọi giá. Anh chinh phục được một cô nhân viên là Roberta; khi cô có chửa, anh định bỏ cô để lấy một cô gái quý tộc, giàu có, tính đồng bóng. Roberta đòi anh phải cưới cô.

Dần dần, trong tiềm thức của Clyde đã nảy ra ý định giết cô. Anh không đủ can đảm thi hành âm mưu trong khi rủ cô đi chơi thuyền; không ngờ thuyền lật, anh để mặc cô chết đuối, lặng lẽ bơi thuyền về. Không có chứng cớ gì, nhưng một thám tử đã tìm ra sự thật. Khi tòa xử án, mẹ Clyde đã đến bên con và đưa được con về với Chúa.

Tác phẩm phân tích một hiện tượng xã hội và tâm lý về mặt bệnh lý. Xã hội công nghiệp Mỹ phải chịu trách nhiệm vì đã đưa ra hình ảnh hấp dẫn của giấc mộng giàu sang, làm choáng mắt những tâm hồn hèn yếu.

Jenny Gerhardt kể về những phụ nữ trẻ là nhân vật chính đã tạo nên những thay đổi xã hội của quá trình đô thị hóa, khi những người trẻ tuổi chuyển từ làng quê lên thành phố.

Đây là cuốn tiểu thuyết luận đề được viết vào thời kỳ Thanh giáo cực đoan, nó đề ra quan niệm sơ lược cho cuộc đời là cuộc đấu tranh trắng đen giữa Thiện và Ác. Ngòi bút hiện thực của Dreiser đã dám đề cập những vấn đề lúc đó kiêng kỵ là tình yêu và sinh con ngoài giá thú. Vượt lên trên bút chiến, ông đã thành công trong việc tạo ra hình tượng dịu dàng và nhân hậu Jenny.

Câu chuyện xảy ra trong một thành phố nhỏ ở Ohio. Jenny, cô gái đầu trong một gia đình Thanh giáo gốc Đức đông con, nghèo túng, quen một vị thượng nghị sĩ đứng tuổi giàu có là Brander, ông này thương cô như con, giúp đỡ cô và gia đình. Dần dần, ông yêu cô và định cưới cô, nhưng bị chết đột ngột. Khi biết cô có mang, bố đuổi cô ra khỏi nhà

Sau khi đẻ con gái, cô đi ở cho gia đình quý tộc giàu có Kane, một người năng động. Kane tìm thấy ở Jenny người phụ nữ hợp với tính tình mình. Jenny mới đầu không chịu nghe anh tỏ tình, nhưng sau, vì tính tình cô dễ thương cảm, đồng ý sống giấu giếm làm tình nhân anh trong nhiều năm. Gia đình Kane biết được, tìm mọi cách ly gián hai người. Chính Jenny cũng không muốn vì mình mà Kane phải hy sinh địa vị xã hội.

Cuối cùng, chàng chán ngán và lấy một cô bạn học thuộc giai cấp của mình. Nhưng chàng không quên được Jenny và khi bị bệnh nặng, cho gọi cô. Cô lại giấu giếm đến chăm nom cho chàng đến khi chết. Cô phải lén lút đến dự đám tang, không dám gặp mặt người vợ chính thức cùng gia đình.

Sau đó, Jenny trở về với nỗi cô đơn. Bố mẹ cô qua đời, con gái đã chết, cô sống với kỷ niệm người yêu đã khuất, nhẫn nhục như xưa.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dao-choi-vuon-van-my-ky-12-275692.html