Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Làm phim chiến tranh, phải biết 'đào địa đạo' cho mình

Trong hành trình điện ảnh của mình, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chưa bao giờ ngừng kiếm tìm những câu chuyện chạm vào trái tim. Với 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối', bộ phim lịch sử - chiến tranh mới nhất, ông khẳng định: 'Tôi không chọn Củ Chi, mà Củ Chi đã chọn tôi'.

Tái hiện địa đạo: Cuộc chiến thầm lặng ngoài trường quay

Ngay từ những ngày đầu biết tới câu chuyện về vùng đất thép Củ Chi, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã bị hấp dẫn mãnh liệt. “Mặc dù đã biết đến đề tài này từ nhiều năm trước, nhưng sự hưng phấn của tôi không những không giảm mà còn ngày càng tăng lên”, ông chia sẻ. Không chỉ là cảm xúc, ông còn nhìn thấy một vùng đề tài quá đỗi giá trị nhưng chưa từng được khai thác sâu trong điện ảnh Việt Nam.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Điều làm đạo diễn bất ngờ là chưa từng có bộ phim truyện nào tái hiện đầy đủ về địa đạo Củ Chi. Khi tìm hiểu sâu hơn, ông mới hiểu ra: quay phim trong địa đạo là thách thức rất lớn – từ ánh sáng, không gian chật hẹp cho tới những hạn chế kỹ thuật khác. Nhưng thay vì chùn bước, Bùi Thạc Chuyên xem đó là một quyết tâm: “Không phải tôi chọn làm phim về Củ Chi, mà đúng hơn là Củ Chi đã chọn tôi để thực hiện bộ phim này”.

Dự án "Địa đạo" được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ấp ủ hơn 10 năm, với khó khăn lớn nhất chính là tìm kiếm nguồn tài chính. Quá trình ấy kéo dài từ năm 2016 đến 2022 mới thực sự khởi động.

Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, khó khăn lớn nhất khi thực hiện "Địa đạo" chính là dựng lại toàn bộ hệ thống địa đạo để quay phim. “Địa đạo Củ Chi hiện nay mở cửa cho du lịch nên không phù hợp để làm phim, hơn nữa, không gian thật quá chật hẹp”, đạo diễn cho biết. Vì vậy, ê-kíp đã dựng một hệ thống địa đạo mô phỏng gần 300 mét, đầy đủ các khu vực đặc trưng như bếp Hoàng Cầm, phòng họp, bẫy chông… Điều đặc biệt là các đoạn hầm này phải có khả năng tháo lắp linh hoạt để máy quay có thể hoạt động, vì trong không gian chật, đặt máy quay là một thách thức rất lớn.

“Chỉ riêng việc tháo một mảng vách ra, lắp lại, cũng đã mất rất nhiều thời gian. Mỗi cảnh quay phải thay phiên nhau: tổ set, tổ ánh sáng, tổ quay, rồi mới tới diễn viên tập diễn. Công đoạn kéo dài khiến quá trình làm phim rất gian nan”, ông kể. Ngoài ra, vấn đề ánh sáng cũng là một bài toán hóc búa. Làm thế nào để tạo được bầu không khí u tối, thiếu sáng như trong địa đạo thật, mà vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh? "Phải tới gần đây, nhờ công nghệ mới, chúng tôi mới có giải pháp phù hợp," đạo diễn tiết lộ.

Phim không có siêu anh hùng – chỉ có những con người bình thường

“Địa đạo” không dựng nên những nhân vật siêu anh hùng theo kiểu điện ảnh Hollywood. Bùi Thạc Chuyên khẳng định: "Bộ phim không khắc họa các siêu anh hùng cứu thế giới. Ở đây, anh hùng chính là tập thể: những con người rất bình thường, yêu thương, đoàn kết và dựa vào nhau để chiến đấu".

Các nhân vật trong phim lấy cảm hứng từ những đội quân báo huyền thoại như H63 của Đại tá Tư Cang, hay từ tinh thần chiến đấu bền bỉ của những người du kích Củ Chi. Tuy nhiên, đạo diễn nhấn mạnh: tất cả chỉ mang tính cảm hứng, không sao chép nguyên mẫu từ lịch sử. Với ông, "địa đạo" mới chính là nhân vật trung tâm, là biểu tượng của trí tuệ, ý chí và sức sáng tạo kiên cường của người dân Củ Chi trong những năm tháng chiến tranh.

Không khí làm phim trong không gian địa đạo mô phỏng cũng giống như một trận chiến thầm lặng. “Tôi từng chứng kiến những cảnh quay phải làm đi làm lại tới 7-8 lần. Các diễn viên lom khom di chuyển, vác theo súng nặng và máy quay trong điều kiện ngột ngạt thiếu ô-xy, nhưng không ai than vãn”, ông xúc động kể lại.

Chính sự khắc nghiệt ấy đã khiến cảm xúc của nhân vật bùng nổ chân thật hơn bao giờ hết. "Các diễn viên đã thực sự hóa thân thành đội du kích Bình An Đông mà tôi hình dung", đạo diễn nói.

Trong việc tuyển chọn diễn viên, Bùi Thạc Chuyên đặc biệt chú trọng vào khí chất và chiều sâu nội tâm. Với vai Bảy Theo, ông tin tưởng trao cho Thái Hòa: “Anh ấy ở độ tuổi đúng với nhân vật Bảy Theo – một người đàn ông từng trải, có con gái đang sống trong địa đạo, một người chu đáo, tình cảm nhưng cũng có khí chất của một người chỉ huy, có uy tín, có sự dẫn dắt tập thể. Tất cả những điều đó đều rất ăn khớp với nhân vật mà chúng tôi xây dựng”.

Làm phim lịch sử: Khó khăn nhưng cần thiết

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thừa nhận, làm phim chiến tranh tại Việt Nam hiện nay là một thách thức vượt quá sức sản xuất thông thường. "Nếu phải làm những trận đánh lớn, quy mô hoành tráng, tôi cũng không dám chắc mình thực hiện nổi", ông nói. Vì thế, ông chọn cách "đào một địa đạo" cho mình: gói gọn câu chuyện trong khuôn khổ một đội du kích, một đoạn địa đạo 300 mét, nhưng vẫn giữ được tinh thần chiến tranh nhân dân kiên cường, bền bỉ.

“Muốn làm phim chiến tranh, chúng ta phải biết "đào một địa đạo" cho mình – tức là phải biết chọn cách kể vừa sức, gói gọn trong khuôn khổ, nhưng vẫn truyền tải được tinh thần của cuộc chiến. Đó là tinh thần dũng cảm, sự thông minh và bền bỉ của cha ông chúng ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi không nghĩ mình tài giỏi gì cả. Thực ra, bản thân câu chuyện Củ Chi đã quá hay rồi”. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Khi bắt tay vào dự án này, ê-kíp không đặt nặng câu chuyện phòng vé hay thương mại. "Ngay từ đầu, chúng tôi xác định làm bộ phim này bằng tất cả tâm huyết, vì Củ Chi, vì những ngày kỷ niệm 50 năm đất nước hòa bình thống nhất, để tưởng nhớ những người đã hy sinh. Chính vì xuất phát từ một tâm thế như vậy, với sự khắt khe và chân thành, nên bộ phim mới có được những cảm xúc chân thực như thế. Còn chuyện thành công về thương mại, phòng vé ra sao, thì chúng tôi tin rằng nếu có duyên, điều đó sẽ đến sau", đạo diễn chia sẻ.

Quan trọng hơn, ông hy vọng bộ phim sẽ góp phần mở đường cho những tác phẩm lịch sử khác trong tương lai. "Chúng ta có rất nhiều câu chuyện hay trong lịch sử. Đó là căn cước của dân tộc Việt Nam. Nếu biết tự hào và hiểu rõ lịch sử mình, chúng ta sẽ có thêm sức mạnh để bước đi trong hiện tại. Và một trong những cách quan trọng nhất để truyền tải tinh thần ấy chính là thông qua những bộ phim chân thực, hào hùng và đầy thuyết phục", đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khẳng định.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/dao-dien-bui-thac-chuyen-lam-phim-chien-tranh-phai-biet-dao-dia-dao-cho-minh-post1190614.vov