Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên:'Những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị'
Lần đầu tiên, câu chuyện về địa đạo - một hệ thống phòng thủ trong lòng đất mà người Việt Nam sử dụng trong chiến tranh được đưa lên màn ảnh rộng.
Lần đầu tiên, một bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng có doanh thu tiệm cận mốc 150 tỷ đồng. Với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, “giấc mơ” làm phim về địa đạo 11 năm của anh đã thành hiện thực và càng hạnh phúc hơn khi được đông đảo khán giả ủng hộ. Thành công của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” cũng mở ra những hy vọng mới cho dòng phim lịch sử, chiến tranh cách mạng.

- Thưa đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, tôi được biết, ngay từ đầu khi xây dựng kịch bản phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, anh đã định hình đây là một tác phẩm hành động?
- Bộ phim có cấu trúc theo dạng thức của phim thảm họa - có một thế lực thiên nhiên/con người đe dọa một nhóm người nào đấy. Thông thường người ta nghĩ về phim chiến tranh với hình dung hai bên đối đầu nhau, kết quả sẽ có bên thắng, bên thua. Nhưng với cấu trúc một bộ phim thảm họa, nhân vật phải tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ của mình và thoát ra khỏi vòng nguy hiểm. Trong tình huống đó, tôi đưa ra câu chuyện đội du kích bảo vệ nhóm tình báo tại Củ Chi. Địa đạo trở thành một cách thức rất nổi bật để giúp cho bên yếu thế có thể hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta biết nhân dân Củ Chi đã kiên cường chiến đấu chống lại lực lượng mạnh mẽ của quân đội Hoa Kỳ trong nhiều năm. Câu hỏi “Địa đạo là gì mà trở nên đặc biệt như vậy?” luôn thường trực trong tôi. Ngay từ đầu, chúng tôi muốn dành cho người xem sự đặc biệt ấy, để trả lời câu hỏi: Người dân đã làm gì, đã sống và chiến đấu như thế nào?
- Đây cũng là lý do mà nhiều người cho rằng “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” không có nhân vật chính, không tập trung tôn vinh anh hùng cá nhân nào cả?
- Nói phim không có nhân vật chính thì không hẳn, nhưng ở đây, chúng tôi không quá nhấn mạnh các vấn đề về con người mà đi sâu vào phương pháp, cách thức họ chiến thắng kẻ thù là vận dụng chiến tranh nhân dân - huy động sức mạnh toàn dân. Với những người du kích, tuy không được huấn luyện một cách bài bản, không có năng lực quân sự nhưng ý chí và tinh thần, lòng quả cảm cũng như phương pháp chiến đấu của họ thật đặc biệt. Điều thú vị chính là ở đó! Địa đạo là sản phẩm sáng tạo của người dân để chống lại kẻ thù. Câu chuyện về chiến tranh nhân dân nơi địa đạo chính là mấu chốt để chúng ta chiến thắng.
- Tôi hơi băn khoăn với đoạn kết và có lẽ nhiều khán giả chưa quen với cách anh kết thúc phim như vậy?
- Tôi hiểu! Có thể họ sẽ cho rằng nó không rõ ràng, hơi tản mạn, thậm chí có người còn hình dung cái kết nên là sự xông lên chiến thắng kẻ thù... Nhưng câu chuyện của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” không phải như vậy! Mục tiêu của những du kích là vẫn bám trụ ở địa đạo, kẻ thù không làm gì được mặc dù chúng đã huy động toàn bộ sức mạnh để tiêu diệt chúng ta. Nhiệm vụ bảo vệ đội tình báo đã hoàn thành. Kết thúc phim hai người mạnh nhất của đội du kích còn sống, có nghĩa là lực lượng sẽ được bổ sung và vẫn tiếp tục chiến đấu.
Đây là bộ phim về chiến tranh nhân dân, tôi không muốn tập trung vào một nhân vật nào cả. Tất cả 21 thành viên đội du kích ấy đều là anh hùng. Vì thế, ngay cả chi tiết cuối phim, tôi không để riêng tên Thái Hòa, Quang Tuấn hay Hồ Thu Anh riêng lẻ mà để tất cả cùng chung một dòng chữ. Điều đó nhằm hàm ý nhắc đến chuyện về chiến tranh nhân dân, tất cả cùng chung một ý chí, một tinh thần chiến đấu cùng nhau. Những người bình dị nhất cũng có thể làm được việc phi thường. Ở đây không có anh hùng cá nhân. Tất cả đều là anh hùng. Họ chiến đấu, chiến thắng, tồn tại và hy sinh - là việc hiển nhiên khi họ tự nguyện vì mục tiêu chung.
- Một bộ phim chiến tranh chạm đến nhiều thế hệ, theo anh, chúng ta cần có những thay đổi như thế nào về tư duy, cách tiếp cận để làm nên những tác phẩm thực sự hấp dẫn mà không cần hoành tráng như những bộ phim triệu đô của nước ngoài?
- Tôi không nghĩ rằng phim chiến tranh là khó tiếp cận, chỉ có điều là hay hay là không hay, thật hay không thật thôi. Làm phim chiến tranh rất khó! Chính vì khó nên thường bị cho là giả, thiếu chân thực. Tôi làm phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” như một cách nhìn lại lịch sử, để lịch sử rõ ràng hơn. Trong dịp kỷ niệm 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất, tôi nghĩ rằng chúng ta nên có một nhìn nhận về những trang sử của cha ông, để củng cố lòng tự hào dân tộc. Những bài học lịch sử ấy vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những bài học về chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh toàn dân, chia nhỏ lực lượng, ứng xử nhân văn “chạm vào trái tim kẻ thù”...
Lịch sử là định danh của một dân tộc. Nếu không biết chúng ta là gì thì phải chăng chính chúng ta đang bị mờ nhạt, không có danh tính, mờ nhạt về tính cách. Bộ phim này cũng chỉ nói về một căn tính của người Việt Nam. Căn tính ấy đã giúp cho người Việt Nam tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử. Tại sao căn tính ấy trở nên mạnh mẽ, biểu hiện rất rõ ràng ở Củ Chi? Bởi vì người Việt Nam thích nghi cực kỳ giỏi và rất thông minh để tìm ra cách giải quyết vấn đề đơn giản, không ai ngờ tới. Trong những bộ phim khác chắc chắn sẽ đề cập những căn tính khác của người Việt Nam. Càng tìm ra nhiều điều như vậy, chúng ta sẽ càng tự tin hơn, mạnh mẽ hơn.
Kinh phí làm phim quan trọng nhưng góc nhìn còn quan trọng hơn. Ai cũng mong muốn mình có 100 triệu đô để đầu tư làm phim hoành tráng như Mỹ. Nhưng bộ phim ấy phải có góc nhìn của người Việt Nam. Tôi tin rằng trong mỗi chúng ta đều có một “địa đạo”!
- Trân trọng cảm ơn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên!