Đạo diễn kể chuyện ca khúc Màu hoa đỏ 'suýt' không có trong kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Tại chương trình nghệ thuật 'Rạng rỡ non sông Việt Nam' mở màn Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào sáng 30/4, ca khúc 'Màu hoa đỏ' với sự thể hiện của NSƯT Lê Thiện đã mang đến xúc động mạnh mẽ cho khán giả. Tuy nhiên, theo tiết lộ của Thiếu tướng - Nhạc sĩ Đức Trịnh, người đảm nhiệm vai trò đạo diễn âm nhạc, ca khúc này lúc đầu không có trong kịch bản.
Vì sao không phải là Duyên Quỳnh hát 'Viết tiếp câu chuyện hòa bình'?
Mặc dù lễ diễu binh diễu hành kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã trôi qua ít ngày nhưng dư âm về chương trình vẫn được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Trong đó, câu chuyện về ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" với sự thể hiện của Võ Hạ Trâm – Đông Hùng nhận nhiều ý kiến tranh luận. Nhiều người so sánh phần trình diễn này với ca sĩ Duyên Quỳnh – người hát đầu tiên, cũng như tại sao không mời cô thể hiện trong ngày đại lễ trong khi cô là đưa ý tưởng ca khúc để nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác.
Để làm rõ hơn câu chuyện này, Gia đình và Xã hội đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng - Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, là người đảm nhiệm vai trò giám đốc âm nhạc của chương trình nghệ thuật "Rạng rỡ non sông Việt Nam" mở màn lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào sáng 30/4.
Ông cho biết: "Tôi có theo dõi câu chuyện và biết nhiều người so sánh phần trình diễn của Đông Hùng – Võ Hạ Trâm với Duyên Quỳnh và ngược lại. Là đạo diễn, tôi thấy Đông Hùng – Võ Hạ Trâm đã thể hiện thành công và thực tế hai ca sĩ cũng nhận được nhiều sự khen ngợi của khán giả. Có thể ở sự kiện nào đó, Duyên Quỳnh hát rất hay nhưng với một chương trình lớn thì sự lựa chọn nào cũng đều được tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng chứ không chỉ căn cứ vào mỗi giọng hát.

Đông Hùng – Võ Hạ Trâm được chọn thể hiện "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" thay vì Duyên Quỳnh.
Như ở chương trình này, việc lựa chọn ca sĩ là kết hợp yêu cầu của ban chỉ đạo, đạo diễn và sự phù hợp với tính chất chương trình. Bài mở đầu do hai người thầy, hai NSND thể hiện - một người Bắc, một người Nam - là hình ảnh mang tính biểu tượng rất đẹp. Trang phục cũng được tính toán, người mặc màu mận chín, người màu xanh. Đến bài "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" là màu trắng tinh khôi, "Đất nước vươn mình" là màu đỏ rực…".
Chia sẻ về lý do không phải là ca sĩ Duyên Quỳnh thể hiện "Viết tiếp câu chuyện hòa bình", nhạc sĩ Đức Trịnh cho biết: "Có nhiều người cũng bảo sao không chọn Duyên Quỳnh vì bạn ấy hát rồi, cứ thế đưa vào chương trình thôi? Tôi nhớ hồi năm 2003 Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games, nhạc sĩ Quang Vinh sáng tác bài "Vì một thế giới ngày mai", ca sĩ Linh Dung là người hát trước đó cả năm. Nhưng khi chương trình chính thức diễn ra thì ca sĩ Hồng Nhung là người thể hiện.
Trong chương trình "Rạng rỡ non sông Việt Nam" cũng có một vài ca sĩ khác được đưa vào nhưng do họ bận, hoặc tổng duyệt không tham gia được thì ban chỉ đạo cũng đề nghị thay, vì như thế là thiếu nhiệt huyết rồi. Bởi đây là chương trình mang tầm quốc gia, lựa chọn kỹ lưỡng nên được tham gia là một vinh dự rất lớn.

NSND Tạ Minh Tâm và NSND Quốc Hưng thể hiện hai ca khúc "Đất nước vươn mình" và "Màu hoa đỏ".
Bên cạnh rất nhiều yếu tố thì yêu cầu đặt ra với chương trình là phải mới mẻ, đáp ứng được nhiều đối tượng khán giả vì chương trình dành cho cả nước xem. Ngay như bài "Đất nước trọn niềm vui" mở màn chương trình cũng thế, trước đó là Tạ Minh Tâm hát nhưng lần này là song ca với NSND Quốc Hưng.
Hay Phương Mỹ Chi, rapper Double2T thể hiện "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" với một tinh thần rất khác, mới mẻ, trẻ trung, hiện đại, là tiếng nói đại diện cho lớp trẻ về thành phố hôm nay".
"Màu hoa đỏ" lúc đầu không có trong chương trình
Tại mở màn lễ kỷ niệm, ca khúc "Màu hoa đỏ" với sự hỗ trợ của dàn múa cùng diễn xuất của NSƯT Lê Thiện đã mang đến sự xúc động cho khán giả, trở thành điểm nhấn ấn tượng trong phần nghệ thuật.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của Thiếu tướng - Nhạc sĩ Đức Trịnh, ca khúc này lúc đầu không có trong kịch bản: "Cho đến tận hôm sơ duyệt, sau khi chạy chương trình, ban chỉ đạo, tổng đạo diễn, tôi và ê kíp nhận thấy còn thiếu một cái gì đó. Các ca khúc hào hùng, khí thế đã có rồi thì cần sự lắng đọng để cảm xúc hơn. Vì thế, ban chỉ đạo cùng ê kíp thống nhất đưa thêm ca khúc "Màu hoa đỏ" của nhạc sĩ Thuận Yến vào, vừa tri ân người mẹ, người lính và cả hậu phương. Tuy nhiên, có một cái khó là không thể bổ sung thêm ca sĩ hát bài này. Thứ nhất là thời gian gấp; thứ hai, danh sách ca sĩ đã được duyệt từ trước đó rất lâu nên giờ bổ sung phải có sự kiểm duyệt, xác minh của ngành an ninh. Vì thế, chúng tôi đã đề xuất để Tạ Minh Tâm và Quốc Hưng – người đảm nhiệm ca khúc Đất nước trọn niềm vui – thể hiện luôn ca khúc này.

NSƯT Lê Thiện gây xúc động trong ca khúc Màu hoa đỏ.
Ca khúc được phối khí lại, hát phần điệp khúc trước, cộng thêm dàn múa, diễn viên kịch do biên đạo nổi tiếng Tấn Lộc đảm nhiệm thực sự đã mang lại xúc động mạnh mẽ cho người xem. Tôi ngồi khán đài A, thấy các CCB gần như khóc hết.
Trong khi đó, việc đưa dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát nhạc vũ kịch TP HCM biểu diễn trực tiếp cùng các nghệ sĩ được tính toán từ ban đầu, đã sơ duyệt rồi nhưng đến phút chót lại không thực hiện được do số lượng người trong sự kiện quá đông, nên cuối cùng phải chọn phương án thu gọn lại".
Nhạc sĩ Đức Trịnh cũng cho biết, chương trình chỉ có 14 phút rưỡi, rất ngắn nhưng phải khái quát đầy đủ cũng là một sức ép. "Rất may chương trình đã thành công tốt đẹp, không chỉ an toàn, chỉn chu mà còn mang lại xúc cảm dâng trào mạnh mẽ cho đại bộ phận nhân dân, khán giả. Sau chương trình, chúng tôi nhận được rất nhiều lời chia sẻ, động viên của các đồng chí lãnh đạo, bạn bè và khán giả cả nước gửi đến", nhạc sĩ Đức Trịnh nói.
Ba vai trò của Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh ở chương trình
Nhạc sĩ Đức Trịnh cho biết, 50 năm trước, ở tuổi chưa tròn 17, ông đã khai thêm tuổi để lên đường nhập ngũ. Ông từng tham gia chiến dịch mùa xuân năm 1975, được sống và chứng kiến những thời khắc đẹp nhất của dân tộc.
Nửa thế kỷ sau, ông lại có cơ duyên được đóng góp sức mình cho thành phố này ở vai trò đạo diễn. "Đó là một vinh dự không phải ai cũng có được", ông nói.

Thiếu tướng - Nhạc sĩ Đức Trịnh.
Ngoài 2 vai trò này, nhạc sĩ Đức Trịnh còn là tác giả của ca khúc được trình diễn trong chương trình. Ca khúc "Đất nước vươn mình" của ông (lời nhà thơ Lê Cảnh Nhạc) cùng "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" (nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung) là hai ca khúc mới được ban chỉ đạo, tổng đạo diễn lựa chọn biểu diễn.
Hỏi ông, đảm nhiệm vai trò đạo diễn âm nhạc ở một sự kiện lớn như vậy thì có bị áp lực lắm không? Ông tâm sự: "Tôi đã có kinh nghiệm làm tổng đạo diễn ở các chương trình nghệ thuật kỷ niệm lớn như: 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không nên đỡ áp lực hơn. Sự kiện lần này lớn nhưng lại có sự chỉ đạo sát sao của ban chỉ đạo, ê kíp lại là những người giỏi nhất, như tổng đạo diễn Đinh Trung Cẩn, NSND Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, biên đạo nổi tiếng Tấn Lộc, nhạc sĩ phối khí Đức Tân… nên mình không gặp khó khăn nhiều".
Ca khúc "Đất nước vươn mình" (Nhạc Đức Trịnh, thơ: Lê Cảnh Nhạc) do ca sĩ Khánh Ngọc và Đào Mác thể hiện.