Đạo diễn Lê Hải Yến: Tự tạo ra thử thách để có sức sáng tạo và khác biệt
Có một điều dễ nhận thấy, công việc đạo diễn lễ hội có rất ít gương mặt nữ. Đảm nhận vai trò 'tổng quản' các chương trình lớn từ trước đến nay chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay các đạo diễn nữ như NSND Phạm Thị Thành, NSND Trần Ly Ly… Tiếp nối thế hệ đi trước, nữ đạo diễn 8X Lê Hải Yến đang nỗ lực từng ngày, tạo dấu ấn riêng trong giới nghệ thuật.
Kể chuyện lịch sử Việt Nam bằng trái tim
Lê Hải Yến sinh năm 1981 tại Hà Nội. Chị bắt đầu con đường nghệ thuật từ khi theo học Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Tiếp đó, chị tốt nghiệp bằng Cử nhân Quản lý Văn hóa tại trường Đại học Văn hóa và xây dựng sự nghiệp liên quan đến nghệ thuật. Khởi nghiệp khi mới tròn 27 tuổi, chỉ với số vốn ít ỏi và duy nhất 1 nhân viên là người bạn lâu năm, đến nay, đơn vị của chị đã phát triển lớn mạnh.
Gần đây, Lê Hải Yến làm Tổng đạo diễn chương trình khai mạc Lễ hội Sông nước TPHCM mùa 2 năm 2024 chủ đề "Chuyến tàu huyền thoại". Chương trình diễn ra tại Cảng Sài Gòn, được nhận xét hoành tráng, mãn nhãn, xúc động và trào dâng niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Là một đạo diễn 8X, lại không sinh ra và lớn lên ở TPHCM, Lê Hải Yến được cho là tự làm khó mình khi lựa chọn lối đi nhiều thách thức như vậy.
Tuy nhiên, chị khẳng định: "Tôi yêu lịch sử Việt Nam, yêu các nhân vật lịch sử của dân tộc. Kho tàng lịch sử văn hóa của chúng ta vô cùng đồ sộ. Tôi thích là một người kể chuyện bằng cả trái tim để làm sống dậy những câu chuyện lịch sử và văn hóa Việt ấy.
Ngày nào còn được cống hiến, tôi vẫn sẽ tiếp tục kể, tiếp tục "đào sâu, sâu hơn nữa" dưới những lớp đất và cát bụi thời gian để kể về những giá trị tinh hoa ngàn đời của cha ông ta; để các thế hệ trẻ hôm nay thêm yêu lịch sử và tự hào về truyền thống của chúng ta; để một ngày nào đó không chỉ là kể chuyện trong phạm vi lãnh thổ Việt, chúng ta còn đưa những câu chuyện này đến với công chúng quốc tế.
Lễ hội là một trong những cơ hội truyền tải các câu chuyện đó, là cơ hội để chúng ta có thể góp sức cùng thành phố phát triển công nghiệp văn hóa, đem đến những giá trị cho du lịch, kinh tế. Bởi, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác, cũng là một mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa".
Nữ đạo diễn nhấn mạnh: "Nhiều người nói rằng tôi tự làm khó mình khi chọn lịch sử để làm nền tảng xây dựng chương trình nghệ thuật, lại dùng nhạc kịch để kể chuyện, có thể công chúng sẽ khó hiểu và khó đồng cảm.
Tôi nghĩ rằng, những người làm văn hóa không nên sợ khó, sợ sai mà hãy mạnh dạn thử sức, khai phá bản thân và nâng tầm nhận thức cảm thụ của khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Tôi thuộc thế hệ 8X, có thể xem như sự chuyển giao của thế hệ anh hùng Cách mạng và giới trẻ Gen Y, Gen Z.
Sau này, các bạn trẻ có thể không có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với những nhân chứng lịch sử như thế hệ 8X. Bởi vậy, tôi tự cho rằng, mình có sứ mệnh kể lại những câu chuyện lịch sử đáng tự hào như vậy".
Có thể nói, Lê Hải Yến đã thay đổi cách làm lễ hội, tiên phong làm lễ hội theo xu hướng "edu-tainment" (kết hợp giữa giáo dục và giải trí) nhằm tôn vinh giá trị lịch sử và văn hóa, tự tôn dân tộc trong giới trẻ bằng các hình thức nghệ thuật hiện đại. Cô cùng ê-kíp đã dành nhiều tâm sức tổ chức những lễ hội có thể khơi gợi lòng tự hào, gợi mở những hành trình trở về lịch sử, nguồn cội.
"Tôi luôn ra đề bài khó cho chính mình"
Làm lễ hội hay rất khó, nhất là những chương trình quy mô lớn mang tầm quốc gia. Nữ đạo diễn Lê Hải Yến thừa nhận: "Tôi luôn chọn những đề tài khó, kể những câu chuyện khó. Nói khó thì đúng là rất nhiều cái khó, ai làm nghề này cũng vất vả, nhiều thử thách, sự cố…
Tuy nhiên, quan trọng không phải mình khổ thế nào mà quan trọng là mình đem lại giá trị gì cho cộng đồng thì tất cả những sự vất vả kia mới có ý nghĩa. Tôi say nghề và nếu cái gì dễ, cái gì giống người khác hoặc giống chính mình của hôm qua thì tự tôi cảm thấy chán, tự tôi cảm thấy thụt lùi.
Tôi luôn phải ra đề bài khó cho chính mình, giống như một thử thách. Tôi luôn muốn biết giới hạn của chính mình. Phải tự tạo ra thử thách, phải có nghịch cảnh mới có sức sáng tạo và khác biệt, nếu không, mình sẽ đi theo lối mòn, không còn phù hợp với thời đại".
Chia sẻ về điều này, Lê Hải Yến so sánh, việc nữ đạo diễn làm lễ hội cũng giống như phụ nữ sinh con, mang nặng đẻ đau với rất nhiều khó khăn, gian khổ nhưng khi thấy đứa con chào đời khỏe mạnh, dễ thương thì lại muốn đẻ tiếp.
"Ai làm lễ hội cũng rất vất vả. Làm những chương trình lớn, khó thì ngoài sức khỏe, còn cần sức chịu đựng để vượt qua mọi thử thách chủ quan và khách quan. Phụ nữ có thế mạnh là sức chịu đựng bền bỉ", Lê Hải Yến cho biết.
Vốn yêu lịch sử đất nước, Lê Hải Yến luôn trăn trở: "Việt Nam mình có nhiều người tài, ông bà mình thời xưa giỏi quá, nhiều người tài quá, tại sao chúng ta không kể những câu chuyện hay, đáng tự hào, để cho giới trẻ học hỏi. Tôi luôn muốn mình đóng góp được những giá trị gì cho quê hương, giống như mình để lại di sản sau này.
Không biết ai sẽ là người nối tiếp mình để kể, nhưng chắc chắn là nó cũng sẽ có tác động nhất định đến những người khác cùng làm nghề hoặc là giới trẻ. Tôi cũng thấy ở các nước, nghệ sĩ của họ liên tài với nhau rất tốt. Để tạo ra được những tác phẩm lớn, không ai làm được tất cả một mình.
Việt Nam có rất nhiều đạo diễn giỏi, rất nhiều người tài nhưng đôi khi cái tôi của chúng ta lớn, chúng ta ít khi ngồi lại để cùng nhau tạo ra những tác phẩm lớn. Tôi cảm thấy may mắn, hạnh phúc khi tôi đã hợp sức được với những con người tài năng, không chỉ ở Việt Nam, mà chúng tôi là những con người từng học hoặc làm việc tại nước ngoài, từng được giải thưởng quốc tế hoặc được thế giới công nhận.
Sau này, tôi vẫn muốn kể và lưu giữ những câu chuyện lịch sử của dân tộc thông qua các show diễn. Tôi mong muốn qua các show diễn của mình, khán giả sẽ khám phá được thêm nhiều điều mới và thú vị, thêm yêu, thêm tự hào về các nhân vật lịch sử, yêu lịch sử Việt Nam mình hơn, để cho dù có đi đâu, về đâu, các bạn ấy cũng muốn quay về để dựng xây đất nước".