Đạo diễn Lê Quý Dương: Festival di sản Ninh Bình không nhàm chán với giới trẻ
Kinhtedothi-Tổng đạo diễn, kiêm tác giả kịch bản Lê Quý Dương cho biết: Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022 sẽ là một chương trình đặc biệt hấp dẫn kết nối các vùng di sản. Trong khuôn khổ Festival chương trình đại nhạc hội dành cho giới trẻ được kỳ vọng sẽ sôi động, náo nhiệt.
Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022 sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19/11, tại TP Ninh Bình. Lễ khai mạc Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022 sẽ là một chương trình đặc biệt, với câu chuyện hấp dẫn của kết nối di sản. Chương trình diễn ra vào 20-21h30 ngày 17/11 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng, có thời lượng 90 phút, với sự tham gia của 15 tỉnh thành trên cả nước, dự kiến truyền hình trực tiếp trên sóng VTV, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình.
Theo đạo diễn Lê Quý Dương: Chương trình khai mạc với thời lượng 90 phút thuần túy là một chương trình văn hóa, nghệ thuật chứ không phải nặng về nghi lễ. Trong đó có 15 tỉnh thành trên địa bàn cả nước sẽ chọn một loại hình di sản để quảng bá và tiết mục không được quá 5 phút. Tất cả các tỉnh thành đều về đây tham dự, không phân biệt các di sản được UNESCO công nhận hay quốc gia công nhận. Và chúng tôi cũng không có sự phân biệt giữa Ninh Bình hay các tỉnh thành khác. Kỳ vọng một chương tình khai mạc thể hiện được tinh hoa và cốt lỗi của di sản.
Theo đó, sẽ có trình diễn trống nhảy, hát xẩm của Ninh Bình; quan họ Bắc Ninh; múa rối cạn Hải Phòng; chầu văn Hà Nam, Nam Định; đờn ca tài tử ở các tỉnh thành phía Nam... Nhóm nghệ sĩ dàn dựng chính của Festival gồm biên đạo múa NSND Hồng Phong; Nhạc sĩ, NSƯT Hồ Trọng Tuấn cùng thống nhất quan điểm và nguyên tắc dàn dựng Festival này là phải giữ tính nguyên bản độc đáo đặc sắc của từng tỉnh, thành phố. “Chúng ta đừng lo ngại rằng tổ chức Festival di sản là xưa cũ, nhàm chán. Làm di sản rất thú vị, số lượng di sản rất đặc sắc và rất lớn nên nó tạo cho chúng tôi nguồn cảm hứng rất lớn” – đạo diễn Lê Quý Dương nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Festival Ban tổ chức sẽ thực hiện các chương trình chủ yếu, như Chương trình nghệ thuật khai mạc; Lễ hội đường phố; Đêm đại nhạc hội di sản; Không gian triển lãm di sản của Ninh Bình và các tỉnh thành về tham dự; Chương trình nghệ thuật bế mạc. Trong đó, chương trình đại nhạc hội dành cho giới trẻ được kỳ vọng sẽ sôi động, náo nhiệt với nhiều ca sĩ trẻ tham dự.
Tổng đạo diễn nhấn mạnh thêm: "Khi đặt vấn đề và trình bày ý tưởng tổ chức Festival với tỉnh Ninh Bình, tôi cũng có nói Huế với lịch sử hơn 700 năm mà họ lại làm một Festival hoành tráng như thế. Trong khi Ninh Bình có lịch sử hơn 1000 năm, tại sao chúng ta không làm một chương trình Festival? Chúng tôi muốn làm Festival định kỳ 2 năm/lần, sau đó định hướng quy mô mang tầm quốc tế". Và đến nay Lê Quý Dương đã có một seri ý tưởng cho chủ đề festival của các kỳ sau.