Đạo diễn Lê Quý Dương: 'Với tôi, thơ là một liệu pháp tâm lý!'

Tốt nghiệp chuyên ngành Lý luận và Phê bình sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 1990, Lê Quý Dương trở thành hội viên trẻ nhất của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khi mới 22 tuổi. Hơn 30 năm gắn bó với sân khấu, đạo diễn Lê Quý Dương đã tự mở ra một hướng đi mới cho sự nghiệp của mình bằng việc sáng tạo những tác phẩm sân khấu độc đáo, mới mẻ...

Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với đạo diễn Lê Quý Dương.

- Sau hiệu ứng tích cực từ vở diễn sân khấu trải nghiệm “Huyền thoại tuổi thanh xuân” được biểu diễn thường xuyên tại “Không gian sân khấu trải nghiệm văn hóa - lịch sử” của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, anh có dự định mới nào về loại hình kịch này tiếp theo?

+ Tôi muốn mở ra một dòng sân khấu có giá trị đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đất nước chuyển mình để bước vào một kỷ nguyên mới, vận hội mới. Đó chính là dòng sân khấu dựa trên các di sản văn hóa và lịch sử truyền thống để phát hiện, dự báo và tìm ra những giải pháp hiệu quả và hữu ích nhất trước các vấn đề của xã hội hiện đại. Thông điệp của chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân" về 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong trên chiến trường Ngã ba Đồng Lộc là “Sống một đời đáng sống”. Điều này cũng đặt ra câu hỏi, liệu chúng ta đã, đang và sẽ sống thế nào để có một cuộc đời "đáng sống"?

Đạo diễn Lê Quý Dương.

Đạo diễn Lê Quý Dương.

Trong chương trình “Đất thép” tôi mới hoàn thành tại vùng đất Củ Chi "đất thép thành đồng", quê hương của địa đạo cũng vậy. Thông điệp của chương trình là "Địa đạo an toàn nhất là lòng dân" như lời một nhân vật đã nói: "Được lòng dân việc lớn mấy cũng thành. Mất lòng dân việc nhỏ mấy cũng bại". Di sản văn hóa và lịch sử truyền thống của dân tộc chúng ta là một kho tàng trí tuệ và nhân văn không giới hạn cho dân tộc chúng ta vươn mình đi tới tương lai với những kiến thức và bài học vô giá.

- Có thể nói, vở diễn trải nghiệm là một loại hình mới và thật ngạc nhiên “Huyền thoại tuổi thanh xuân” lại là vở diễn nhận được sự đón nhận tích cực của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Trong bối cảnh sân khấu nói chung hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với khán giả, thì điều này được anh lý giải như thế nào?

+ Quy luật phát triển chung là khi xã hội thấy thiếu thốn và trống vắng điều gì thì con người ta sẽ tìm hiểu và trải nghiệm điều đó để hoàn thiện và tự tin hơn giữa cuộc đời. Giới trẻ hôm nay dường như không thiếu gì khi được sinh ra và lớn lên giữa những thành tựu của khoa học, công nghệ và xã hội vật chất, tiêu dùng. Có lẽ, họ chợt nhận ra, giữa đầy đủ tiện nghi vật chất bên ngoài tác động vào có một khoảng trống hụt hẫng từ thế giới tinh thần sâu thẳm bên trong mình.

Về học thuật, dòng sân khấu tôi đang theo đuổi và khám phá cũng có thể được gọi là sân khấu "trải nghiệm thực chứng". Nó giúp con người được tự mình trải nghiệm những sự thật đã qua trong quá khứ để chứng nhận lại sự tồn tại của mình trong hiện tại và định hướng cho mình đi tới tương lai.

- Theo anh, sự tương tác với khán giả trong những vở diễn “trải nghiệm thực chứng” mà anh đang theo đuổi có ý nghĩa như thế nào?

+ Sân khấu "trải nghiệm thực chứng" tôi đang xây dựng có những đặc trưng khác so với cách làm sân khấu theo kiểu truyền thống. Khán giả không còn xa cách sân khấu và ngồi xem như những “người làm chứng" thụ động. Họ được đưa vào sát nhân vật, trực tiếp trải nghiệm và đồng hành cùng nhân vật. Tôi cũng không đặt nặng vấn đề diễn viên phải được đào tạo chuyên nghiệp theo kiểu truyền thống, vì tôi cần sự mộc mạc và chân thật nhất từ diễn viên được tôi lựa chọn và sàng lọc khắt khe từ đời sống. Họ là những diễn viên được đào tạo theo một kiểu khác, thể hiện tài năng của mình theo một cách làm sân khấu khác, rất gần với đời sống.

- Người trong nghề thường đồn đại rằng: “Làm đạo diễn các lễ hội, sự kiện lớn để kiếm tiền, còn làm đạo diễn các chương trình nghệ thuật mang giá trị truyền thống - văn hóa - lịch sử thì chỉ kiếm được “danh tiếng” thôi!”. Đối với anh, điều này có đúng không và “hai thái cực đạo diễn” này có sự mâu thuẫn không?

Cảnh trong vở "Đất thép" của đạo diễn Lê Quý Dương.

Cảnh trong vở "Đất thép" của đạo diễn Lê Quý Dương.

+ Tôi không nghĩ như vậy. Không có chương trình lớn và chương trình nhỏ, không có đạo diễn lớn và đạo diễn nhỏ. Tôi đã làm những chương trình rất lớn như "Hành trình mở cõi" ở Festival Huế 2010 với cả nghìn diễn viên biểu diễn trước hơn trăm nghìn khán giả. Tôi cũng làm cả những chương trình chỉ với vài diễn viên phục vụ vài chục khán giả trong khán phòng sân khấu vài chục mét vuông như "Lời thì thầm từ thế giới bí mật" cho các bệnh nhân HIV tại Melbourne (Australia) năm 2001.

Một đạo diễn dựng một chương trình có quy mô lớn nhưng chưa chắc đó đã là một đạo diễn lớn và ngược lại. Cũng giống như trong văn học, nhiều người rất ngạc nhiên tại sao có tác phẩm đọc trong vài giờ là xong lại được trao giải Nobel Văn chương, trong khi nhiều nhà văn sách dày nhiều bộ xếp chật trên giá lại chưa được. Đẳng cấp hay giá trị đích thực đôi khi chỉ toát lên từ một câu nói, một ý tưởng, một thông điệp bình dị nhất, nhưng nó có khả năng thức tỉnh xã hội và định hướng cho tương lai, rộng lớn hơn là cho toàn thể nhân loại.

- 20 năm qua người ta chỉ thấy Lê Quý Dương lăn lộn ở các sân khấu mà ít người biết rằng anh còn là một nhà thơ và chỉ với 2 tập thơ mới ra mắt trong vòng 3 năm, anh đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh có thế chia sẻ, trong đời sống tinh thần của anh, thơ ca có vị trí như thế nào? Nó giúp ích gì cho công việc chính là đạo diễn của anh?

+ Thơ ca là nơi để tôi tìm về sau mỗi chuyến đi xa, sau mỗi chương trình, sau mỗi thăng trầm của cuộc đời. Tôi không coi mình là một nhà thơ "chuyên nghiệp", như một công việc hay ngành nghề. Thơ là một liệu pháp tâm lý giúp tôi giữ cân bằng và thanh lọc tinh thần của mình. Tôi cũng không in 2 tập thơ hay nhận lời đạo diễn dàn dựng Ngày Thơ Việt Nam để trở thành hội viên Hội Nhà văn. Tôi đã âm thầm làm thơ từ khi học lớp 4 và làm nhiều thơ khi học tập, làm việc ở nước ngoài. Thơ giúp tôi đứng vững giữa những đất nước xa xôi với những nền văn hóa không phải là cội nguồn của mình.

Khi tôi in 2 tập thơ, nhiều đồng nghiệp và bạn bè ngạc nhiên vì họ vẫn quen và nhớ đến tôi ở một góc độ khác dường như không thuộc về thơ. Nhưng, thơ ca thực sự đã hỗ trợ cho cách sáng tác kịch bản văn học và cách dàn dựng của tôi rất nhiều. Thơ là một nền móng vững chắc và quý giá giúp cho các công trình sáng tạo được dựng lên không chỉ với những hình thức bên ngoài, mà có cả những cảm xúc nội tại ẩn chứa, sâu lắng bên trong.

- Sau hơn một năm trở thành Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác quốc tế của Hiệp hội Sân khấu thế giới, anh đã có những hoạt động gì? Anh thấy những hoạt động này có ý nghĩa như thế nào khi anh trở lại với các hoạt động sân khấu trong nước?

Tôi được bầu trực tiếp vào Hội đồng Điều hành của Hiệp hội Sân khấu thế giới tại Đại hội Sân khấu thế giới năm 2014 tổ chức tại Yerevan (Armenia). Sau 4 nhiệm kỳ làm việc liên tục từ 2014 đến 2022, tôi được bầu tiếp vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác sân khấu quốc tế - FACT - ITI/UNESCO. Thực ra, tôi đã hoạt động trong đời sống sân khấu quốc tế từ năm 1994, khi bắt đầu qua học tập tại Australia, đến nay là tròn 30 năm.

Năm 1998, khi còn là sinh viên ngành đạo diễn tại Học viện Sân khấu Liên bang Australia, tôi đã lập dự án đưa 2 đạo diễn người Australia về Việt Nam dàn dựng 2 chương trình tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) và Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh. Năm 1999, tôi đã đưa đại diện của hơn 30 nhà hát và tổ chức nghệ thuật trên khắp Liên bang Australia sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Từ đó tới nay, hàng chục dự án giao lưu và hợp tác với nhiều quy mô khác nhau giữa sân khấu Việt Nam với Australia và nhiều nước khác đã từ ý tưởng trở thành hiện thực. Tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của sân khấu Việt Nam và quốc tế.

- Xin cảm ơn đạo diễn Lê Quý Dương!

Nguyệt Hà (thực hiện)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dao-dien-le-quy-duong-voi-toi-tho-la-mot-lieu-phap-tam-ly--i755299/