Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng: Duyên phận với phim 'Ông Năm Yersin'
Ở tuổi 95, nữ đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng vẫn trở lại phố biển Nha Trang để trò chuyện, chia sẻ tình cảm của mình với vùng đất, con người nơi đây. Qua đó, chúng tôi biết được phần nào tình yêu, sự ngưỡng mộ của bà đối với bác sĩ A.Yersin - công dân danh dự Việt Nam.
Từ tình yêu với bác sĩ A.Yersin
Chiều 21-3, tại một hội thảo được tổ chức ở Bệnh viên Đa khoa Yersin Nha Trang, lần đầu tiên chúng tôi được gặp nữ đạo diễn, nhà văn nổi tiếng Nguyễn Thị Xuân Phượng. Tên tuổi của bà được công chúng biết đến từ lâu, qua những bộ phim tài liệu nổi tiếng như: Vĩ tuyến 17 - chiến tranh nhân dân; Việt Nam và chiếc xe đạp; Tôi viết bài ca hồi sinh; Khi tiếng súng vừa tắt; Khi những nụ cười trở lại; Hai tiếng quê hương; Trên một đoạn đường Trường Sơn; Giọt nước cao nguyên; Cuộc chiến tranh ở rừng Lào; Chân dung một lãnh tụ chính trị: Hồ Chí Minh; Thế giới của bé Khoa... Ở vai trò của một nhà văn, năm 2020, bà tạo được tiếng vang lớn trong lòng công chúng yêu văn học nước nhà khi xuất bản tập hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…”. Quyển sách được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và tái bản năm 2022.
Sinh ra trong một gia đình quyền quý ở huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế), nhưng năm 1945, khi mới 16 tuổi, bà đã quyết định tham gia cách mạng. Bà từng làm nhiều nghề như: Kỹ thuật viên thuốc nổ, y tá, phóng viên, thông dịch viên, bác sĩ, dịch và thuyết minh phim tiếng Pháp, đạo diễn phim tư liệu chiến trường… Năm 1967, khi đang là bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho người nước ngoài ở Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài, do rất giỏi tiếng Pháp nên bà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách làm phiên dịch và chăm sóc sức khỏe cho vợ chồng đạo diễn Joris Ivens - Marceline Loridan khi họ làm phim tại Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Từ đây, cơ duyên làm phim tài liệu đến với đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng. Năm 2011, Chính phủ Pháp trao tặng bà Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì những đóng góp cho sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa Việt Nam và Pháp.
Đến TP. Nha Trang lần này, đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng đã dành nhiều thời gian để trò chuyện với những người yêu mến bác sĩ A.Yersin, những bạn trẻ về bộ phim tài liệu nghệ thuật “Ông Năm Yersin” được bà và các cộng sự thực hiện vào năm 1992. “32 năm trước, điều kiện làm phim không được như bây giờ, mọi phương tiện, kỹ thuật đều thiếu thốn, khó khăn. Thời đó, trở ngại lớn nhất đối với chúng tôi chính là những suy nghĩ, quan điểm về bác sĩ A.Yersin của một số lãnh đạo vẫn còn hạn chế. Khi tôi đề xuất ý tưởng làm bộ phim này, đã có ý kiến nói rằng, tại sao còn bao nhiêu đề tài khác không làm mà lại làm phim về một ông Tây? Thế nhưng, với tấm lòng quý mến, trân trọng, tình yêu với bác sĩ A.Yersin như một người cứu nhân độ thế của 50 năm trước và 100 năm sau vẫn được nhắc đến, chúng tôi thấy rằng, tại sao có thể làm phim về các ông Louis Pasteur, Alexandre de Rhodes… mà không được làm phim về ông A.Yersin? Vậy nên, tôi đã tìm gặp nhiều người có thẩm quyền để trình bày, thuyết phục và cuối cùng được đồng ý cho thực hiện bộ phim này cùng với các cộng sự là nghệ sĩ Trương Qua, quay phim Đỗ Bình”, bà chia sẻ.
Những thước phim truyền cảm hứng
Bộ phim “Ông Năm Yersin” là một trong những tác phẩm đầu tiên đề cập đến cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến, tình cảm của bác sĩ A.Yersin - một nhà khoa học mang tầm vóc nhân loại. Dù chỉ có thời lượng gần 30 phút, nhưng phim đã khắc họa thành công chân dung của bác sĩ A.Yersin với những thành tựu nổi bật, cùng tình cảm đặc biệt với vùng đất, người dân Nha Trang - Khánh Hòa. Mạch phim được bắt đầu bằng hình ảnh ông Tùy viên văn hóa của Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP. Hồ Chí Minh đi tìm dấu tích về bác sĩ A.Yersin. Và cứ thế, câu chuyện phim đưa khán giả đến với Suối Dầu, Hòn Bà, Nha Trang, Đà Lạt, với những di tích gắn bó chặt chẽ với cuộc đời, sự nghiệp của bác sĩ A.Yersin, với những con người biết về ông. “Khi bắt tay vào làm bộ phim này, với vai trò đạo diễn, tôi đã trao đổi cùng các cộng sự đó là phải trả lời cho được câu hỏi: Tại sao ngay trong thời gian đất nước đang chịu sự thống trị của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đang vùng lên đấu tranh chống Pháp để giành độc lập dân tộc, vậy nhưng người dân Nha Trang - Khánh Hòa đã thờ phụng bác sĩ A.Yersin như một vị bồ tát ở trong chùa? Tại sao người dân lại yêu mến một người đến từ đất nước thực dân và tại sao con người vĩ đại này lại có nguyện vọng được ở lại Nha Trang - Khánh Hòa mãi mãi?”, đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng cho biết.
Xem lại phim “Ông Năm Yersin”, chúng ta thấy được hình ảnh của bác sĩ A.Yersin thật đẹp và đáng yêu. Cái đẹp, cái đáng yêu của ông mang đến niềm tin, cảm hứng cho mỗi người cần phải sống sao cho đáng sống. Những lý tưởng đó được thể hiện qua thủ pháp điện ảnh chân thực, không khoa trương, không dùng kỹ thuật, kỹ xảo với cảnh và người, rừng và biển, xưa và nay một cách dung dị. Có lẽ vì thế, bộ phim sau khi được công chiếu đã đạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc lần thứ 16 năm 1993 tại TP. Đà Lạt và được đài truyền hình của nhiều nước như: Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Phần Lan… mua lại để phát sóng cho khán giả xem. “Đây là một bộ phim rất giá trị và tình cảm về bác sĩ A.Yersin. Dù phim được làm từ 32 năm trước, nhưng nội dung phim đến hiện tại và mai sau vẫn mang đến những ý nghĩa tích cực với người xem. Chúng tôi rất vui khi được đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng trao tặng lại bộ phim này để giới thiệu, quảng bá tinh thần A.Yersin cho người dân, nhất là thế hệ trẻ”, ông Đống Lương Sơn - Chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa cho biết.
Từ câu chuyện 32 năm trước về bộ phim “Ông Năm Yersin”, chúng tôi thêm hiểu, thêm quý trọng tình cảm của đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng đối với bác sĩ A.Yersin, cũng như bản lĩnh của một người làm phim dám bảo vệ, theo đuổi đến cùng những điều đúng đắn.
GIANG ĐÌNH