Đạo diễn, NSND Hà Bắc: Để hoạt hình đích thực đến được với khán giả
Nhiều người cứ nói đến hoạt hình Việt Nam thì dè bỉu, chê yếu lắm, kém lắm. Tôi chỉ hỏi lại, theo anh cái yếu kém cụ thể là thế nào? bộ phim nào? tác giả nào? thời kỳ nào? anh có nêu được không? Thì họ không trả lời được!
Hơn 40 năm gắn bó với phim hoạt hình, đạo diễn, NSND Hà Bắc đã khẳng định được dấu ấn trong giới nghề với nhiều giải thưởng: Bông sen Vàng, Bông sen Bạc, Cánh diều Vàng, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật… và đã lưu dấu ấn trong lòng công chúng nhất là công chúng nhỏ tuổi qua một loạt phim hoạt hình cổ điển mang đậm màu sắc Việt như: Chú chuột biến hình, quạ và công, quả bầu tiên, chuyện vợ chồng sáo,…
Đặc biệt, ông là đạo diễn bộ phim 3D đầu tiên của Việt Nam: “Giấc mơ của ếch xanh”. Ông cũng làm giám khảo nhiều liên hoan phim hoạt hình trong nước và quốc tế. Ở trong nước, ông làm giám khảo nhiều liên hoan phim danh giá như: Bông Sen Vàng, Cánh Diều Vàng,…
Trong đó, ông là giám khảo Quốc tế ở 3 Liên hoan phim hoạt hình lớn: Annecy(Pháp) 1995, Bruxelles (Bỉ) 1996, Mumbai (Ấn Độ) 2000. Tại Liên hoan phim hoạt hình tại Bruxelles (Bỉ), NSND Hà Bắc giữ vai trò trưởng ban giám khảo.
Hoạt hình Việt Nam sinh ra trên một mảnh đất khó khăn: đất nước nghèo nàn, trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Mà hoạt hình là một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi rất cao hội tụ của nhiều lĩnh vực, với nhiều dạng thức. Làm hoạt hình cần sự kiên nhẫn, bộ phim tuy ngắn những phải làm rất tốn công, thời gian, tiền bạc, sao cho màu sắc, âm nhạc phải ấn tượng mạnh, nói ít hiểu nhiều. “Chính vì vậy hoạt hình phải cô đọng về diễn xuất, tính khoa trương, ước lệ một cách làm sao ấn tượng để truyền tải mạnh mẽ nhất, sâu sắc nhất, cho nên để đào tạo một người làm hoạt hình lại càng khó” – Đạo diễn Hà Bắc nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhắc đến khó khăn phải kể đến 3 yếu tố chính: kinh phí, kỹ thuật, con người. Theo NSND Hà Bắc, về tiền và kỹ thuật chúng ta không quá thiếu thốn, nhưng đào tạo con người lại chưa có định hướng. Phim được đầu tư bài bản thì rất ít khi được chiếu công khai do vướng mắc luật bản quyền, quan hệ giữa các bên: tác giả, các đài truyền hình. Phim chủ yếu chiếu tại các liên hoan phim trong 1,2 tuần với lượng khán giả đến xem hạn chế. Yếu tố kỹ thuật cũng chưa cao, phần mềm chưa chuyên nghiệp.
“Nhiều người cứ nói đến hoạt hình Việt Nam thì dè bỉu, chê yếu lắm, kém lắm. Tôi chỉ hỏi lại, theo anh cái yếu kém cụ thể là thế nào? bộ phim nào? tác giả nào? thời kỳ nào? anh có nêu được không? Thì họ không trả lời được, và bảo tôi hay xem trên truyền hình. Thế thì họ nhầm một điều, một số bộ phim chiếu trên truyền hình là của những hãng tư nhân họ làm không chuyên nghiệp, chi phí rẻ nên nhiều đơn vị "ăn cắp" công đoạn khiến cho phim hoạt hình không còn ra hoạt hình nữa. Mang tiếng là hoạt hình Việt Nam nhưng không phải là chuyên nghiệp, nên phim hoạt hình bị méo mó đi” – NSND Hà Bắc nhấn mạnh. Những bộ phim đích thực, những bộ phim làm một cách đầu tư nghiêm chỉnh của Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam, và những người chuyên nghiệp làm, thì những bộ phim ấy lại rất ít khi được chiếu trên truyền hình.
Theo NSND Hà Bắc, chắc chắn công nghệ càng cao, thì càng tiện lợi khi làm phim hoạt hình, hình ảnh trong phim càng đẹp, càng khiến cho khán giả thích thú hơn. Tuy nhiên phần mềm chỉ là phương tiện, còn định hướng, ý tưởng sáng tạo, theo tôi phải là nền tảng văn học, nền tảng hội họa, nền tảng âm nhạc, diễn xuất, và những nền tảng về nghệ thuật, để tạo nên một tác phẩm có tính tư tưởng, có tính triết học, có tầm thời đại, thì lại không hẳn chỉ là những phần mềm, mà đòi hỏi những con người có ý thức và có sự giáo dục đầy đủ. Bản thân tôi vẫn đề cao tính dân tộc. Tính dân tộc trong diễn xuất, tính dân tộc trong màu sắc, những câu chuyện dân gian, mang cái hồn dân tộc thì điều ấy cực kỳ quan trọng. Để thế giới nhìn vào là biết Việt Nam: cây tre làng, tiếng sáo trúc, tiếng đàn bầu,… đến điệu hát chầu văn, quan họ. Từ dân tộc thì mới có sự độc đáo của mình. Châu Á họ rất muốn có tiếng nói riêng của mình nên họ đề cao tính Folklore, tính dân tộc. Tuy nhiên, ở chúng ta chưa có một nhân vật đặc trưng cho hoạt hình Việt Nam.
“Tôi rất mong tư nhân về tham gia. Mà tư nhân tham gia rất nhiều tầng lớp tư nhân được học tập ở nước ngoài, tầng kiến thức cao họ hiểu về hoạt hình, họ đầu tư hoạt hình một cách chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn. Nó sẽ có người định hướng, có người truyền thông, có người thúc đẩy sản xuất, thậm chí là tạo nhu cầu cho khán giả rồi họ mới tung ra. Thì đó là chiến lược đòi hỏi người tổ chức phim hoạt hình cần làm. Tuy nhiên, việc đầu tư của tư nhân chúng ta phải tổ chức như thế nào một cách hợp lý, tạo điều kiện cho họ phát triển” – đạo diễn Hà Bắc chia sẻ.
Phim Việt Nam không yếu. Nhưng làm sao để phim hoạt hình đến được với khán giả?
“Có thể số hóa được số phim hoạt hình, và tạo ra một sân chơi cho phim hoạt hình chuyên nghiệp. Làm sao để những tác phẩm tốt được tiếp cận với khán giả, thậm chí phát miễn phí. Còn chiếu trên truyền hình một số nơi cũng không chịu vì không nằm trong hệ thống của truyền hình, mà giờ phát sóng của truyền hình cũng rất đắt tiền vì giờ thì quảng cáo tràn ngập. Mặc dù có thể phim hoạt hình Việt Nam chưa tốt nhưng có nhiều phim xem được, và rõ ràng có tính giáo dục rất cao, gần gũi với trẻ em Việt Nam!” – NSND Hà Bắc hy vọng.