Đạo diễn phim 'Ranh giới': Vừa chào nhau, 2 phút sau đã thấy bệnh nhân cấp cứu
'Có nhiều nhân vật chúng tôi vừa quay phim, vừa nói chuyện, vừa chào nhau nhưng 2 phút sau quay lại đã thấy họ trong tình trạng cấp cứu' - Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nói.
Video: Phim 'Ranh giới' ám ảnh của VTV đặc biệt
Ranh giới - bộ phim tài liệu dài hơn 50 phút phát sóng trong chương trình VTV đặc biệt đã khiến rất nhiều người rơi nước mắt. Bộ phim ghi lại câu chuyện giành giật mạng sống của đội ngũ y bác sĩ với bệnh nhân là những thai phụ mắc COVID-19 tại khu K1, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM).
Người thực hiện bộ phim - Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã chia sẻ với phóng viên VTC News về quá trình thực hiện bộ phim tài liệu đặc biệt này.
- Sau khi phóng sự "Ranh giới" của anh lên sóng, có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc phóng sự công khai gương mặt cũng như cuộc sống cá nhân của một số bệnh nhân. Anh nghĩ sao về điều này?
Khi xem phim, mọi người sẽ thấy, với những nhân vật không thể nói chuyện, tôi không quay mặt họ. Những người còn nói chuyện được, ê-kíp làm phim cũng đã xin phép và họ đồng ý để chúng tôi sử dụng câu chuyện cũng như hình ảnh của họ.
Tôi ở trong khu K1 của Bệnh viện Hùng Vương gần nửa tháng. Tôi tiếp xúc với các bệnh nhân hàng ngày, chứng kiến quá trình họ chống chọi với bệnh tật. Trong phóng sự Ranh giới, họ có thể chỉ lên hình vài giây hoặc một vài phút nhưng ngoài thực tế, chúng tôi đã tiếp xúc, quay họ trong thời gian dài.
Nếu nhân vật không còn, chúng tôi cũng chỉ sử dụng những hình ảnh ghi lại khoảnh khắc nào đó thực sự có ý nghĩa, không phải chỉ riêng với những người làm nghề như tôi, với khán giả truyền hình mà hơn cả, là với người thân của những bệnh nhân đó.
Khi xem phóng sự, các bạn cũng thấy có một ông bố, con đã qua đời, muốn nhìn con lần cuối nhưng vì sự lây lan khủng khiếp của virus, ước muốn tưởng như bình dị ấy cũng không thể trở thành hiện thực. Những hình ảnh cuối cùng mà các y bác sĩ đưa cho ông xem nó rất có giá trị.
Những hình ảnh mà tôi đưa vào phóng sự của mình, không chỉ nhận được sự đồng ý của nhân vật, mà hơn cả nó có tác động tích cực tới người xem. Thấy những hình ảnh đó, mọi người sẽ cảm nhận rõ sự khủng khiếp của COVID-19, có ý thức bảo vệ bản thân và gia đình hơn, thấy được sự tận tụy, hết lòng của các y bác sĩ và hơn cả là biết trân quý sự sống.
- Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, phóng sự của anh đang thổi phồng về dịch COVID-19?
Bất cứ một tác phẩm truyền hình nào khi lên sóng cũng sẽ nhận phải những ý kiến trái chiều. Tôi không ngại khi phải đối diện với những ý kiến đó.
Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi là phóng viên của một Đài truyền hình Quốc gia, tôi ý thức được công việc cũng như trách nhiệm của mình. Tôi đang làm đúng nhiệm vụ, định hướng của cơ quan giao phó: Làm một tác phẩm phản ánh đúng sự khủng khiếp của COVID-19, sự nỗ lực của lực lượng y bác sĩ và hơn cả là tình người trong thời điểm khó khăn. Tất cả những hình ảnh, thông tin, những nhân vật trong phóng sự là sự thật.
Chỉ khi sống cùng, tôi cảm nhận sâu sắc sự nguy hiểm của COVID-19, chỉ trong một khoảnh khắc, một tích tắc, nó có thể cướp đi mạng sống của không chỉ một mà hai người cùng lúc.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư
Bản thân tôi, ở vị trí phóng viên, tiếp xúc nhiều với thông tin nhưng trước khi đi làm phóng sự Ranh giới, tôi cũng không thực sự biết được sự khốc liệt của COVID-19. Chỉ khi sống cùng nó, tôi cảm nhận sâu sắc sự nguy hiểm của COVID-19, chỉ trong một khoảnh khắc, một tích tắc, nó có thể cướp đi mạng sống của không chỉ một mà hai người cùng lúc.
Tôi không thổi phồng gì cả. Những hình ảnh, những câu chuyện tôi kể trong phóng sự đều là sự thật. Có tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được điều đó.
- Thông qua "Ranh giới", anh muốn nói gì với người xem?
Thông qua tác phẩm của mình, tôi mong muốn cho người dân biết được sự tàn khốc của COVID-19 để họ biết sợ, có ý thức bảo vệ cho bản thân, gia đình và xã hội.
Tiếp đến, tôi muốn người xem hiểu được đội ngũ y tế bác sĩ nơi tuyến đầu đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh, giành giật sự sống cho từng bệnh nhân. Họ phải làm việc trong một cường độ khủng khiếp. Từ đó, mọi người sẽ nhìn ra giá trị của cuộc sống, trân trọng cuộc sống hơn và thấy rằng, mình đang được ngồi trong nhà, được hít thở đã là điều may mắn, hạnh phúc.
Mọi sự chủ quan đều phải trả giá, đôi khi sự trả giá đó chính là mạng sống của mình. Đừng biến công sức của lực lượng y tế, những người nơi tuyến đầu chống dịch trở nên uổng phí.
- Khó khăn lớn nhất của anh trong quá trình làm phim "Ranh giới" là gì?
Trong quá trình tác nghiệp, tôi không thể tránh khỏi những lúc bị cảm xúc chi phối, có những giọt nước mắt đã rơi, có những lúc cả người tôi run lên, trong đầu biết rõ đó là hình ảnh đắt giá, cần phải chộp ngay lấy nhưng lại không thể bấm máy, không thể quay được. Có những lúc, tôi quên mình là phóng viên khi nghe thấy tiếng hét thất thanh của những bệnh nhân COVID-19, tôi buông máy và chạy đi tìm bác sĩ, hay vội vàng để lại máy quay, giúp các bác sĩ di chuyển bệnh nhân đi cấp cứu.
Có nhiều nhân vật chúng tôi vừa quay phim, vừa nói chuyện, vừa chào nhau nhưng 2 phút sau quay lại đã thấy họ trong tình trạng cấp cứu. Ranh giới giữa sự sống và cái chết bộc lộ rõ nhất trong những trường hợp như thế này.
- "Ranh giới" có nhiều hình ảnh xúc động, nhưng đâu là hình ảnh khiến anh bị ám ảnh nhất?
Đó là khoảnh khắc chứng kiến những bệnh nhân COVID-19 muốn thở, thèm thở mà không được. Các y bác sĩ tiến hành những cuộc điện thoại gấp gáp với người thân để họ được nói chuyện với nhau - có những cuộc nói chuyện là lần cuối cùng.
Đó là sự tận tụy, hy sinh của lực lượng y bác sĩ. Họ phải làm việc với cường độ khủng khiếp, làm việc với 200 - 300% sức lực để giành giật sự sống cho từng bệnh nhân. Sự nỗ lực của y bác sĩ tiếp thêm cho tôi sức mạnh để cố gắng, nỗ lực hoàn thành công việc của mình.
- Anh nói tới sự nguy hiểm của các bệnh nhân COVID-19, những vất vả hiểm nguy mà các y bác sĩ phải đối diện. Còn với chính anh thì sao?
Trước lúc đi tôi xác định luôn là mình có khả năng bị mắc COVID-19, bởi kẻ thù là vô hình, không thể tránh né được nên tinh thần rất thoải mái.
Tôi chỉ lo làm sao trong thời gian ngắn như thế có thể làm việc thật nhiều, để có đủ chất liệu, nếu chẳng may có bị COVID-19, phải vào khu cách ly thì cũng có đủ chất liệu để hoàn thành bộ phim.
Trước đó, tôi chỉ xác định làm bộ phim về các thai phụ bị mắc COVID-19, họ phải đối diện với những gì và và vượt qua nó ra sao nhưng khi chứng kiến đội ngũ y bác sĩ làm việc với cường độ kinh khủng, họ dành tình yêu thương nhiều cho các bệnh nhân, thì tôi nghĩ phải làm một phim riêng về đội ngũ y bác sĩ trong khu K1 của bệnh viện Hùng Vương. Đó là lý do tôi thực hiện tác phẩm thứ hai Ngày con chào đời.
- Phóng sự "Ranh giới" khiến nhiều người rơi nước mắt. Còn nó có tác động thế nào đối với anh?
Tôi rút ra được nhiều bài học quý. Tôi biết trân trọng hơn cuộc sống, thêm nhiều niềm tin vào tình người. Tôi cũng nhận ra, trong thời điểm khó khăn này, mình còn được thở, đó là may mắn, là niềm hạnh phúc không gì sánh được.