Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư - VTV: Chỉ cảm xúc mới 'chạm' được tới 'tâm' của người xem
Tác phẩm 'Ranh giới' của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã được Hội đồng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 đánh giá cao.
Bài liên quan
Lát cắt phi thường nơi “tâm dịch”
Thông tin dồn dập, số liệu tăng chóng mặt và sự thật hối thúc từng giờ…
Những “kế sách” hướng tới lành mạnh hóa thị trường tài chính, mang lại lợi ích cho người dân…
Nhà báo Nguyễn Ngân- VTV: Phải đến gần hơn với nhân vật, câu chuyện để truyền cảm xúc đến khán giả
10 năm trăn trở cùng vấn nạn của ngành y
Chiến dịch “giải cứu 24 Chúa Sơn Lâm”
“Chúng tôi viết về vỉa hè bằng tình yêu dành cho thành phố”
Trong cuộc trò chuyện về hậu trường tác phẩm, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ: “Mình cũng hay nói đùa với bạn bè là cái tên “Ranh giới” cũng chính là ranh giới của người làm báo, bạn có đủ dũng cảm để vượt qua nỗi sợ không? Bạn có đủ niềm tin, đủ nghị lực để vượt qua ranh giới của việc đưa tin và tôn trọng sự thật đấy không? Bạn có đủ bản lĩnh để chấp nhận những ý kiến trái chiều, phản hồi, phản ứng lại với bạn vì đã vi phạm một điều gì đó hay không?”.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.
Được truyền lửa từ chính đội ngũ y, bác sĩ
+ “Ranh giới” ra đời giữa những ngày dịch COVID-19 đang hoành hành ác liệt nhất tại TP.HCM, tạo nên cơn “địa chấn”trong dư luận với những hình ảnh về đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, ngày đêm giành giật sự sống cho các sản phụ nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Hùng Vương ở TP.HCM. Theo anh, điều gì đã khiến “Ranh giới” thu hút được sự chú ý đến thế?
- Đến thời điểm này, dù ám ảnh đã qua nhưng những ký ức về lần tác nghiệp ở trong khu K1 của Bệnh viện Hùng Vương trong thời điểm COVID-19 vẫn cứ trở về với tôi thường xuyên như một phần của ký ức, một phần của kỷ niệm một thời làm nghề, một thời tác nghiệp trong đại dịch.
Tôi cảm nhận, chứng kiến sự khốc liệt của COVID-19 và sự mong manh của ranh giới giữa sự sống và cái chết. Tôi cũng nhận được một bài học rất sâu sắc trong công việc đó là phải xông pha, lăn xả với nghề, bởi chỉ có như vậy mình mới cảm nhận được hết sự khốc liệt, sự chân thật nhất của cuộc sống ngoài kia.
Thêm nữa, tôi cũng cho rằng, phải có sự nhạy cảm nghề nghiệp, tức là đưa sản phẩm ra đúng thời điểm thích hợp để có tác động mạnh nhất, đúng với mục đích tuyên truyền cũng như nhiệm vụ mà lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Đài tin tưởng giao cho.
Truyền thông cũng là một phần trong công cuộc tuyên truyền chống dịch thời điểm đấy cho nên tính thời điểm rất là quan trọng. Đặc biệt, trải qua với “Ranh giới” tôi cho rằng mình phải luôn có quan điểm của người làm báo. Quan điểm ở đây không phải là tính bảo thủ, không phải cái tôi hay một quan điểm không có tính khách quan mà ở đây là lập trường của người làm báo, quan điểm vững vàng, xác định đi làm vì mục đích tuyên truyền, vì nhiệm vụ được giao, vì công tác đóng góp chung vào trong công cuộc tuyên truyền chống dịch. Nói tóm lại, là vì cộng đồng, vì xã hội.
+ Một tác phẩm không có lời bình, một bộ phim không có kịch bản sẵn… Cách làm ấy vốn là “thương hiệu của đạo diễn Quỳnh Tư” nhưng tôi vẫn muốn hỏi, trong nửa tháng với hoàn cảnh tác nghiệp khắc nghiệt, ê-kíp đã thực hiện nhiệm vụ như thế nào để thu thập được khối lượng thông tin, hình ảnh đắt giá, “bắt” được đa dạng mọi cung bậc cảm xúc với những diễn biến quá nhanh và quá nguy hiểm như thế?
- Cách làm của tôi là vừa làm, vừa biên tập, vừa viết kịch bản ở trong suy nghĩ dựa trên hiện thực của thực tế, của hiện trường. Tất nhiên, ý tưởng phải có từ đầu, chỉ là sau khi có ý tưởng, có đường dây thực hiện thì sẽ cần những gì để bồi đắp vào cho ý tưởng đấy được diễn ra thông suốt, truyền tải đúng mong muốn, mục đích khi làm phim. Kiểu làm này có một cái gì đó rất “phiêu”. Tôi làm việc hay theo bản năng và cảm xúc thực tế, tức là sống với thực tế, lăn lộn, đứng trong và quăng mình vào bối cảnh đấy thì mới cảm nhận hết được. Khi đã quăng mình vào thì phải có “một cái cảm”, tức là mình phải sống với họ, mình phải hiểu họ và mình phải quan sát. Sự quan sát này là liên tục, không ngừng nghỉ.
Với cá nhân tôi, khi làm phim dạng này, chỉ lơ là chút thôi cũng sẽ bỏ qua rất nhiều chi tiết và có những cái nuối tiếc mà mình không bao giờ lấy lại được, ghi lại được, làm lại được. Đặc biệt, với thể loại phim tài liệu mang tính hiện thực, thực tế thì mình không đóng diễn được. Chính vì thế, thời gian cũng như tâm lực để thu thập khối lượng thông tin, hình ảnh ở trong khu K1 rất nhiều và liên tục. Tôi cũng xác định, có thể mình sẽ bị nhiễm COVID-19 lúc nào không hay cho nên cường độ lao động, cường độ ghi hình và làm việc phải nhiều hơn. Tôi cũng được truyền lửa từ chính đội ngũ y, bác sĩ vì họ làm mấy trăm phần trăm thì mình cũng sẽ theo họ như thế, cố gắng làm sao ghi được nhiều nhất có thể để nếu như chẳng may mình có bị nhiễm bệnh thì cũng đủ khối lượng dữ liệu để hoàn thành bộ phim.
Hậu trường tác nghiệp Ranh Giới.
Tác nghiệp làm bằng bản năng và cảm xúc
+ Không chỉ “Ranh giới” mà phần lớn các bộ phim tài liệu của anh thường truyền tải câu chuyện chỉ với hình ảnh, âm thanh từ hiện trường, không có lời bình… nhưng gây ám ảnh và cảm xúc mạnh. Anh có thể chia sẻ thêm về phương thức tác nghiệp ấy?
-Tôi làm bằng bản năng và cảm xúc. Ban đầu, do tự cảm thấy lời bình mình viết không mạnh, thứ hai là khi viết lời bình, cái tôi, quan điểm, sự nhìn nhận của mình đưa vào không có tính thuyết phục cao. Bởi đôi khi mình bình lời không khéo, không có tính khách quan thì lại thành cảm nhận chủ quan. Vì vậy nên tôi lựa chọn người thực, việc thực, cảm xúc thực, câu chuyện thực. Cố gắng để tối đa hóa và chuyển tải được những cái thực đó vào trong phim không thừa, không thiếu. Mục đích là để truyền tải câu chuyện sao cho đầy đủ nội dung và đặc biệt là đáp ứng được tiêu chí đúng, đủ và phải hay thì mới gửi tới được khán giả, níu giữ được đôi mắt của khán giả để ngồi trước màn hình và theo dõi bộ phim của mình.
Ngoài ra, vẫn còn thêm một số tiêu chí như hay thì phải có cảm xúc vì chỉ có cảm xúc mới “chạm” được tới “tâm” của người xem và để lại được những suy nghĩ, cảm nhận của người xem về bộ phim. Chung quy lại, điều tôi mong muốn là sau khi xem bộ phim thì mình phải để lại được điều gì? Thứ nhất là ấn tượng với người xem, thứ hai là tính thông điệp, tính ý tứ mà mình muốn gửi gắm thông qua bộ phim là gì? Tất nhiên là không phải quay gì thì đưa lên đấy mà cũng phải có đầy đủ từ tư tưởng chủ đề, ý tưởng, kết cấu kịch bản,… bản thân lời thoại của các nhân vật, âm thanh, cảnh quay được ghép nối với nhau cũng đều có ý tứ.
+ Ngay cả khi sự thật ở bên ngoài còn khủng khiếp hơn cả trong phim, ngay cả khi những thước phim không có một lời bình mà gần như để hiện thực cuộc sống lên tiếng thì vẫn có những lời xì xào về sự “sắp xếp”, dàn dựng… cả những ý kiến trái chiều về chuyện xâm phạm đời tư cá nhân nhân vật. Anh nghĩ sao về điều này và anh đã bước qua được “ranh giới” của những điều chưa trọn vẹn ấy ra sao?
- Sau khi làm những bộ phim như vậy, tôi cũng trưởng thành hơn qua những ý kiến từ khán giả. Tôi cũng buồn, cũng suy nghĩ, cũng dằn vặt khi nghe những ý kiến trái chiều từ khán giả nhưng rồi mỗi một phim đi qua tôi lại rút ra được những bài học cho bản thân. Đến phim “Ranh giới” tôi không còn suy nghĩ nặng nề, đâu đó không còn buồn về những vấn đề đó nữa bởi mục đích chính của tôi là làm bộ phim để góp phần vào công tác tuyên truyền phòng, chống dịch đã hoàn thành và có hiệu quả. Không đo đếm bằng thực tế nhưng sau khi phim chiếu, lượng người đi tiêm tăng thêm nhiều, những ý kiến phản hồi tích cực gấp nhiều lần tiêu cực. Khán giả có quyền bình phẩm và sau khi nghe những bình phẩm ấy mình chắt lọc ra được những điều gì, học được gì từ đó.
+ Xin trân trọng cảm ơn anh!
Minh Vinh (Thực hiện)