Đạo diễn Trần Thanh Huy: Làm phim để được chơi với nghề
Cuộc đời làm phim của Trần Thanh Huy gắn liền với những con số, mà nếu không đủ kiên trì, bền bỉ, người ngoài nhìn vào cũng dễ nản lòng. Sau khi tìm ra phong cách làm phim cho bản thân, anh luôn kiên định với con đường mình lựa chọn, ngay cả khi thử thách lớn hơn.
* PHÓNG VIÊN: Điều gì ở Đi về phía lửa khiến anh quyết định nhận lời để lần đầu tiên thực hiện một dự án phim bộ?
* Đạo diễn TRẦN THANH HUY: Khi nhận lời, nhà sản xuất có gửi kịch bản cho tôi. Tôi chỉ đọc kịch bản trước khi chuyển thể thành phim và cố gắng bám sát cuộc sống con người Việt Nam dựa trên những sự kiện có thật. So với phim gốc, câu chuyện trong Đi về phía lửa nghiêng hẳn về tính nghề nghiệp của những người lính cứu hỏa - một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới, nơi những con người dùng mạng sống bản thân để cứu người khác. Đó là cái hay nên tôi nhận lời.
* Anh có e ngại khi làm bộ phim này sẽ “đụng chạm” đến nỗi đau của những người từng trải qua biến cố?
* Cái chính tôi nghĩ đến khi làm phim này là một lời cảnh tỉnh, giúp mọi người nhận ra cháy, nổ luôn gắn liền với đau thương. Để có cái nhìn chung, tổng thể về người lính cứu hỏa tôi cố gắng tạo ra sự đồng cảm hơn là khơi lại những nỗi đau, dù biết không thể tránh đề cập những mất mát. Tôi muốn mọi người hiểu khi đụng đến lửa mà mất kiểm soát sẽ trở thành một kẻ thù đáng sợ và làm sao để tất cả chúng ta cùng ngăn chặn, biết cách thoát khỏi những tai nạn như vậy.
* Là một bộ phim đậm chất nghề nghiệp, anh làm thế nào để bám sát được những điều chuyên môn đó?
* Đây cũng là khó khăn lớn nhất khi thực hiện dự án lần này. Trước khi quay phim, tôi dành gần 8 tháng để nghiên cứu, nói chuyện với rất nhiều người lính chữa cháy. Chúng tôi may mắn được sự hỗ trợ, tư vấn của Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an TP Đà Nẵng. Chúng tôi có nhiều buổi trực tiếp ra làm việc, học hỏi và nói chuyện cùng họ.
Trước khi quay 1 tháng, tất cả diễn viên ra Đà Nẵng tham gia huấn luyện lý thuyết và thực hành những vấn đề chuyên môn của người lính cứu hỏa như: đội nón, leo dây, xịt nước, các điều lệnh trong chữa cháy… Quá trình đi quay luôn có lực lượng công an đi cùng để hỗ trợ về mặt nghề nghiệp. Tôi muốn mọi thứ thật nhất có thể. Các diễn viên phải hóa thân thành nhân vật, từ nước da, cách nói chuyện đến cách phản ứng với các tình huống.
* Theo tiết lộ, mỗi tập phim là một câu chuyện về nghề cứu hỏa, anh làm thế nào để tạo nên một tổng thể hài hòa, có tính gắn kết cao?
* Quan điểm của tôi, làm phim điện ảnh và truyền hình khác nhau. Phim truyền hình cần có sự lôi cuốn ở từng tập phim để khán giả, nhất là các bà nội trợ hứng thú theo dõi câu chuyện. Do đó, từng tập phim phải lôi cuốn, có nhịp điệu và xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ để khán giả chờ đợi tập tiếp theo. Từng khung hình phải có cao trào và những khoảng lặng. Dù đề tài nào đi nữa, việc tạo ra nhịp phim luôn là điều vô cùng quan trọng.
Với dự án này, càng về sau các trận cháy, công tác cứu nạn cứu hộ càng khốc liệt hơn. Phim còn có những câu chuyện về tình yêu, gia đình, tình đồng chí… Tôi tin khán giả sẽ muốn được coi những tình huống, sự kiện trong phim. Bởi tôi đã đưa tinh thần làm phim điện ảnh vào quá trình thực hiện tác phẩm này.
* Sau Ròm, khán giả chờ đợi cái tên Trần Thanh Huy ở một dự án điện ảnh kế tiếp, anh có thể tiết lộ điều gì?
* Hiện tại, tôi vẫn đang trong quá trình đi tìm kinh phí cho dự án điện ảnh thứ 2. Mặc dù tôi đã làm phim điện ảnh, có giải thưởng, nhưng việc đi xin tiền vẫn rất gian truân. Hiện tại tôi chỉ mới xin được 20% kinh phí cho dự án. Trong quá trình đó, tôi vẫn nỗ lực kiếm thêm từ việc làm phim quảng cáo để có tiền làm phim. Tôi luôn tâm niệm làm phim điện ảnh là cách để mình chơi với nghề, để được thỏa đam mê.
* Có phải anh tự đặt ra thử thách khó hơn cho mình ở dự án này?
* Tôi đặt mục tiêu phim thứ 2 phải tốt hơn phim đầu tay. Nhưng hy vọng dự án lần này không kéo dài đến 10 năm như Ròm. Hiện tại kịch bản phim đã trải qua hơn 20 bản nháp, có lẽ khi phim hoàn thành mới có bản cuối (final). Nhưng phải thú nhận phim thứ 2 này quá khó, tốn nhiều tiền. Nhiều nhà đầu tư cũng ngại tham gia trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay. Bản thân tôi hiểu điều đó, nhất là với một bộ phim về đề tài di dân.
Phim này, tôi dự định quay 80% ở châu Âu và 20% ở Việt Nam. Cứ thử tưởng tượng nếu quay ở Việt Nam chỉ hết 200 triệu đồng, trong khi qua châu Âu số tiền có thể tăng gấp 4 lần. Nhưng tôi cũng tính toán, nếu khó quá có thể đổi lại bối cảnh 50-50 giữa Việt Nam và nước ngoài.
Cái khó khác là, khi mình còn trẻ làm phim hoàn toàn máu lửa, chấp nhận dấn thân. Nhưng hiện tại, khi hầu hết các anh em cộng sự đều đã có gia đình, mình phải có tiền để giúp họ lo được những điều căn bản. Do đó, khi khởi xướng dự án, tôi càng phải tính toán kỹ hơn.
* Anh có đặt ra thời hạn cho bộ phim của mình?
*Khi làm phim điện ảnh, tôi không đặt thời hạn bao giờ sẽ chiếu. Tôi chỉ ước chừng năm nào mình sẽ làm xong. Có nhiêu làm nhiêu, cứ gom dần từ từ vậy.
* Sau tác phẩm đầu tay, anh có nghĩ nhiều về yếu tố thương mại khi làm phim?
* Ở dự án đầu tiên, tôi may mắn vì được làm cái mình thích và vô tình cũng khiến khán giả thích điều đó. Khi xây dựng một dự án phim, tôi không nghĩ nhiều về yếu tố thương mại. Theo tôi, nhà làm phim phải là người tạo ra, chứ không chạy theo xu hướng. Nếu làm một bộ phim với cảm xúc tốt, nhịp phim tốt, kết cấu ổn, khán giả sẽ đồng cảm với mình.
Trước khi làm phim Ròm, tôi đã làm 17 phim ngắn, thử nghiệm nhiều phong cách khác nhau. Tôi từng đi theo xu thế đám đông, thử những thể loại kinh dị, hài hước, tâm lý… nhưng thấy không hợp. Phải đến khi làm 16g30 mới đúng những gì tôi nghĩ về cuộc sống. Được làm đúng điều mình thích lại thành công tôi xác định đây chính là phong cách của mình. Và tôi cũng đã đưa phong cách làm phim đó khi thực hiện Đi về phía lửa. Nhưng theo tôi điều quan trọng nhất, phải hiểu bộ phim đến tận cùng mới có thể làm.