Đạo diễn Việt Nam và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm làm phim bền vững
Tối 17/12, Viện Goethe sẽ tố chức Hội thảo trực tuyến 'Làm phim bền vững', trong khuôn khổ Dự án sản xuất phim tài liệu Sinh thái 2021-2022.
Đây là một trong hai hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất phim tài liệu dành cho các nhà làm phim quan tâm do Viện Goethe phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển, FOUR PAWS Việt/Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình tổ chức.
Thực tế, từ việc viết kịch bản, lựa chọn cách thức họp nhóm sản xuất hay phương tiện di chuyển đến địa điểm quay, lựa chọn đồ ăn cho nhóm làm phim, việc chọn độ phân giải của phim, đến việc tiếp cận nhân vật... đều có những tác động nhất định đến môi trường.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cứ mỗi giờ sản xuất các chương trình TV sẽ thải ra 9,2 tấn CO2 và mỗi tấn CO2 thải ra sẽ có khả năng làm thay đổi nhiệt độ môi trường và làm tan khoảng 3 mét vuông băng biển.
Bởi vậy, để đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và giảm biến đổi khí hậu nói riêng, dự án thúc đẩy các nhà làm phim quan tâm tham gia xây dựng và kể những câu chuyện về các vấn đề liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, phúc lợi động vật và lan tỏa thông điệp về làm phim bền vững.
Qua đây, chính những nhà làm phim và tổ chức tham gia dự án là những người thực hành, hướng đến giảm thiểu các tác động lên môi trường trong quá trình tác nghiệp.
Tại Hội thảo, những câu chuyện về làm phim nói chung và phim tài liệu nói riêng của Việt Nam cũng như những thách thức và cơ hội trong việc đảm bảo sản xuất phim bền vững hiện nay sẽ được trao đổi cởi mở của.
Dự kiến, các đại biểu thảo luận tại sự kiện gồm các thành viên Ban cố vấn của dự án, những đạo diễn giàu kinh nghiệm như Nguyễn Như Vũ, Phan Đăng Di, Nguyễn Lê Hoàng Việt và hai nhóm được lựa chọn tham gia Dự án sản xuất phim tài liệu sinh thái 2021-2022.
Ngoài ra, nhằm mang đến những góc nhìn mang tính quốc tế, Hội thảo còn có sự tham gia của khách mời đặc biệt là ông Philip Gassmann - nhà sản xuất truyền hình, phim có kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng tại Đức, Pháp và Mỹ.
Từ năm 2013, các nghiên cứu, hội thảo tập huấn của ông tập trung vào sản xuất phim xanh, công nghệ phim xanh, truyền thông xanh với các lĩnh vực như năng lượng, ánh sáng, giao thông, thiết kế, xây dựng, phục vụ ăn uống, tòa nhà, văn phòng, kế hoạch sản xuất xanh cũng như kể chuyện và phát triển xanh.