'Dao động khí quyển cảm ứng' có thể là nguyên nhân gây mất điện diện rộng tại châu Âu
Sự cố mất điện trên diện rộng tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và miền Nam nước Pháp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng chục triệu người, làm gián đoạn hệ thống giao thông công cộng, dịch vụ viễn thông và nhiều hoạt động hạ tầng thiết yếu.

Điện được khôi phục một phần sau sự cố mất điện tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 28/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ The Conversation ngày 29/4, mặc dù nguyên nhân chính thức chưa được xác định, một số thông tin ban đầu cho rằng sự cố có thể liên quan đến hiện tượng hiếm gặp gọi là "dao động khí quyển cảm ứng".
Theo Giáo sư Mehdi Seyedmahmoudian, chuyên gia kỹ thuật điện tại Đại học Công nghệ Swinburne (Australia), "dao động khí quyển cảm ứng" là các dạng sóng khí quyển như sóng trọng lực hoặc dao động nhiệt, phát sinh từ những biến động đột ngột về nhiệt độ hay áp suất không khí trên diện rộng. Khi bề mặt Trái Đất nóng lên nhanh chóng - ví dụ do sóng nhiệt, chênh lệch áp suất giữa các vùng không khí tạo ra các dao động lan truyền trong khí quyển, có thể tác động tới các công trình kỹ thuật lớn như đường dây truyền tải điện cao áp.
Các sóng khí quyển này, khi tương tác với lưới điện, có thể gây ra dao động cơ học trong dây dẫn, ảnh hưởng đến độ ổn định của hệ thống truyền tải. Trong những điều kiện cực đoan, sự dao động bất thường này có thể gây mất đồng bộ và làm gián đoạn kết nối trong hệ thống lưới điện liên lục địa, như đã được quan sát ở châu Âu.
Mặc dù thuật ngữ "dao động khí quyển cảm ứng" chưa được chuẩn hóa trong tài liệu chuyên ngành khí tượng, hiện tượng này được mô tả phù hợp với những dạng dao động đã được biết trong khí quyển, đặc biệt là các sóng trọng lực quy mô lớn.
Giáo sư Seyedmahmoudian lưu ý rằng khi hệ thống điện hiện đại ngày càng phụ thuộc vào các mạng lưới truyền tải đường dài và các kết nối xuyên biên giới, thậm chí những nhiễu động khí quyển nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn. Các lưới điện tập trung truyền thống, được thiết kế cho điều kiện ổn định hơn, hiện phải đối mặt với mức độ phức tạp và biến động chưa từng có do biến đổi khí hậu và điện khí hóa gia tăng.
Ông nhấn mạnh rằng việc nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống điện đòi hỏi phải phát triển các mô hình lưới điện phân tán, đặc biệt là lưới điện vi mô. Những hệ thống này cho phép các cộng đồng duy trì nguồn điện độc lập khi xảy ra sự cố diện rộng, góp phần tăng cường an ninh năng lượng và khả năng phục hồi trước các rủi ro khí tượng bất thường.
Theo Giáo sư Seyedmahmoudian, sự cố mất điện vừa qua là hồi chuông cảnh báo về sự nhạy cảm ngày càng tăng của hệ thống điện hiện nay trước các tác động môi trường. Nếu không có những thay đổi căn bản trong cấu trúc và vận hành lưới điện, nguy cơ xảy ra các sự cố diện rộng tương tự trong tương lai sẽ còn tiếp tục gia tăng.