Sức mạnh tiêm kích đa năng Su-30MK2 trình diễn tại lễ diễu binh 30/4

Trong lễ diễu binh kỷ niệm 30/4 năm nay, không quân Việt Nam đem đến một màn trình diễn ấn tượng với sự xuất hiện của các tiêm kích đa năng Su-30MK2.

Sự góp mặt của dòng chiến đấu cơ hiện đại này không chỉ thể hiện uy lực của lực lượng phòng không - không quân mà còn cho thấy trình độ hiện đại hóa và khả năng tác chiến ngày càng nâng cao của quân đội Việt Nam.

Sức mạnh vượt trội của tiêm kích đa năng Su-30MK2

Su-30MK2 là phiên bản nâng cấp của dòng tiêm kích Su-30 do Nga chế tạo, được thiết kế để thực hiện đa nhiệm vụ trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm.

Về cấu hình, Su-30MK2 được trang bị hai động cơ phản lực AL-31FP với khả năng điều hướng vector lực đẩy, giúp máy bay có thể thực hiện những động tác nhào lộn phức tạp mà không bị mất kiểm soát. Tốc độ tối đa của máy bay lên tới Mach 2 (tương đương khoảng 2.120 km/h), với tầm bay chiến đấu đạt hơn 3.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu.

Khả năng mang theo vũ khí của Su-30MK2 cũng là điểm nổi bật. Với 12 điểm treo dưới cánh và thân, máy bay có thể mang theo tên lửa không đối không tầm xa R-27, tên lửa không đối đất Kh-31, bom dẫn đường chính xác và pháo tự động GSh-30-1 cỡ 30mm. Nhờ đó, Su-30MK2 có thể thực hiện hiệu quả cả nhiệm vụ phòng không, chế áp phòng không đối phương, tấn công mặt đất, trinh sát và hộ tống.

Su-30MK2 có thể đạt vận tốc tối đa gấp 2 lần vận tốc âm thanh.

Su-30MK2 có thể đạt vận tốc tối đa gấp 2 lần vận tốc âm thanh.

Bao nhiêu chiếc Su-30MK2 trong đội hình?

Tại lễ diễu binh 30/4 năm nay, đội hình máy bay Su-30MK2 bay qua lễ đài là một trong những điểm nhấn được người dân cả nước chờ đón. Theo các nguồn tin mở, không quân Việt Nam hiện sở hữu khoảng 35 chiếc Su-36MK2, được biên chế trong các trung đoàn tiêm kích của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Trong đó, một số lượng đáng kể Su-30MK2 được huy động để tham gia trình diễn trong lễ diễu binh, thể hiện khả năng tác chiến đồng bộ và trình độ điều phối đội hình bay vượt trội, tuy chưa rõ số lượng. Các phi công điều khiển đều là những người dày dạn kinh nghiệm, từng tham gia huấn luyện trong và ngoài nước, có khả năng khai thác tối đa tính năng hiện đại của dòng tiêm kích này.

Trong số 9 quốc gia đang sử dụng tiêm kích Su-30MK phiên bản xuất khẩu, chỉ có Nga (nước sản xuất), Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam có khả năng tự đại tu dòng chiến đấu cơ hiện đại này. Việc Việt Nam làm chủ công nghệ đại tu Su-30MK2 là cột mốc quan trọng đối với ngành kỹ thuật quân sự trong nước.

Trước đây, việc sửa chữa các dòng máy bay như Su-27, Su-30MK2 đều phải dựa vào đối tác nước ngoài, gây tốn kém thời gian và ngân sách. Việc Nhà máy A32 làm chủ công nghệ đại tu đã giúp rút ngắn thời gian bảo dưỡng, chủ động nguồn vật tư, và đặc biệt tiết kiệm chi phí đáng kể cho Nhà nước và Quân đội.

Trong số 9 quốc gia đang sử dụng tiêm kích Su-30MK phiên bản xuất khẩu, chỉ có Nga (nước sản xuất), Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam có khả năng tự đại tu dòng chiến đấu cơ hiện đại này.

Trong số 9 quốc gia đang sử dụng tiêm kích Su-30MK phiên bản xuất khẩu, chỉ có Nga (nước sản xuất), Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam có khả năng tự đại tu dòng chiến đấu cơ hiện đại này.

Tiêm kích đa năng Su-30MK2 có gì đặc biệt?

Điểm đặc biệt đầu tiên của Su-30MK2 chính là khả năng tác chiến đa nhiệm - tức một chiếc máy bay có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Khác với nhiều dòng máy bay chiến đấu chỉ chuyên biệt cho một vai trò (ví dụ chỉ phòng không hoặc chỉ tấn công mặt đất), Su-30MK2 có thể linh hoạt chuyển đổi nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, thiết kế buồng lái đôi (hai chỗ ngồi) cũng là lợi thế khi cho phép một phi công tập trung điều khiển còn người còn lại điều hành hệ thống vũ khí và nhiệm vụ, từ đó tăng hiệu quả và giảm áp lực trong các nhiệm vụ phức tạp.

Khả năng cơ động cao cũng là một trong những yếu tố khiến Su-30MK2 trở nên nổi bật. Với thiết kế khí động học tối ưu, kết hợp với khả năng điều hướng lực đẩy, chiếc máy bay này có thể thực hiện các động tác tránh né tên lửa và duy trì ưu thế không chiến trong cự ly gần.

Máy bay cũng có thể triển khai tấn công cả máy bay có người lái và không người lái (UAV). Với trang bị hệ thống tên lửa dẫn đường tầm ngắn và tầm trung, những chiếc chiến đấu cơ có biệt danh “hổ mang chúa” có thể tấn công chính xác các mục tiêu mặt đất, mặt nước từ khoảng cách 120 km.

Mỗi chiếc Su-30MK2 được trang bị 96 quả đạn mồi bẫy nhiệt PPI-50 được phóng đi từ hệ thống phóng mồi APP-50. Đây là một phần hệ thống phòng thủ chủ động được thiết kế để bảo vệ máy bay trước các loại tên lửa phòng không sử dụng đầu dẫn hồng ngoại.

So sánh Su-30MK2 với một số tiêm kích hiện đại khác

Đầu tiên, Su-30MK2 với F-16 Fighting Falcon. Về tính năng kỹ thuật, Su-30MK2 là tiêm kích hạng nặng hai động cơ, có tầm bay xa và tải trọng vũ khí lớn hơn F-16 (tiêm kích hạng nhẹ một động cơ). Trong khi F-16 có độ linh hoạt cao và hệ thống điện tử tiên tiến hơn nhờ được hiện đại hóa thường xuyên, thì Su-30MK2 lại nổi bật với khả năng mang nhiều loại vũ khí và tầm hoạt động rộng.

Về khả năng không chiến, F-16 có lợi thế ở tốc độ leo cao và hệ thống radar nhỏ gọn, phù hợp cho các trận không chiến tầm gần. Su-30MK2 có khả năng cơ động xuất sắc nhờ thiết kế khí động học và vector lực đẩy, giúp tạo ưu thế trong không chiến tầm trung và tầm xa. Về tấn công mặt đất Su-30MK2 mang được nhiều vũ khí hơn, bao gồm cả tên lửa hành trình và bom dẫn đường chính xác, nên có khả năng tấn công mặt đất mạnh mẽ hơn F-16.

Thứ hai là JF-17 Thunder. JF-17 là tiêm kích hạng nhẹ, có chi phí vận hành thấp. Tuy nhiên, Su-30MK2 vượt trội về tầm bay, tải trọng vũ khí và độ bền chiến đấu. Ngoài ra, các hệ thống điện tử của Su-30MK2 hiện đại hơn, đặc biệt là ở radar và hệ thống phòng vệ điện tử.

Thứ ba là J-10C, được trang bị radar mảng pha chủ động (AESA) và tên lửa không đối không tiên tiến. Su-30MK2 vẫn sử dụng radar quét cơ khí, nhưng có lợi thế về tầm hoạt động, thời gian hoạt động trên không và khả năng mang vũ khí đa dạng hơn.

Ngoài ra, khả năng cơ động siêu việt nhờ vector lực đẩy là một ưu thế đáng kể của Su-30MK2 trong không chiến cự ly gần.

PV (Tổng hợp )

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/suc-manh-tiem-kich-da-nang-su-30mk2-trinh-dien-tai-le-dieu-binh-30-4-ar939891.html