Đạo đức cách mạng cao cả của V.Lê-nin (bài 2)

Chẳng những rất quan tâm đến việc giải quyết những nhu cầu bức xúc của cán bộ lúc ốm đau bệnh tật và trong cuộc sống giữa đời thường, nhất là vấn đề nhà ở, Lê-nin còn tìm những biện pháp hữu hiệu để động viên, khích lệ và cổ vũ cán bộ ra sức phát huy nhiệt tình, năng lực, trí tuệ của mình để phục vụ đắc lực cho đất nước.

2. Lê-nin và vấn đề ủy lạo, động viên, khen thưởng cán bộ

Trong thư gửi cho đồng chí Goóc-bu-nốp (Chánh văn phòng Hội đồng bộ trưởng dân ủy) ngày 10/11/1921, Lê-nin viết: "Công nhân và viên chức nhà máy Bri-an-xcơ đã sản xuất được 7 chiếc cày chạy bằng điện. Đến ngày 01/01/1922 họ sẽ sản xuất được 20 chiếc. Đồng chí Gien-tốp, giám đốc nhà máy Bri-an-xcơ xác nhận điều đó. Tôi đề nghị đặt vấn đề này ra Hội đồng lao động và quốc phòng vào ngày mai, sau khi đã bàn với đồng chí Gien-tốp về hình thức khen thưởng Huân chương Cờ lao động; thưởng tiền và hiện vật".

3. Lê-nin với việc cất nhắc, trọng dụng, bổ nhiệm và đề bạt cán bộ

- Ngày 10/11/1921, trong thư giới thiệu gửi đồng chí Rát-tsen-cô (Bộ dân ủy ngoại thương), Lê-nin viết như sau: "Đồng chí Rát-tsen-cô! Đây là một đảng viên lâu năm. Những người như thế sẽ hết sức có ích cho cuộc đấu tranh chống lại những phần tử bất lương ở nước ngoài. Đồng chí này không phải là một nhà buôn, nhưng với sự hướng dẫn của những người có kinh nghiệm buôn bán, đồng chí đó sẽ có những đóng góp của một người trung thực, chắc chắn sẽ có ích. Tôi đề nghị cử đồng chí đó”.

Lê-nin - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới

Lê-nin - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới

- Trong thư giới thiệu về đồng chí Ê-mê-li-a-nốp (người đã giấu Lê-nin ở hồ Ra-dơ-líp trong thời gian hoạt động bí mật) gửi đến đồng chí Xtô-mi-ni-a-cốp (Chánh văn phòng Hội đồng lao động và quốc phòng), Lê-nin viết: "Tôi giới thiệu người cầm giấy này là đồng chí Ê-mê-li-a-nốp. Tôi được biết Ê-mê-li-a-nốp từ tháng 7/1917, là một trong những người ưu tú trong lớp đảng viên cũ ở Pê-trô-grát. Tôi đề nghị tín nhiệm hoàn toàn và hết sức giúp đỡ đồng chí này. Tôi cho rằng điều cực kỳ quan trọng là giúp đỡ đồng chí ấy tiếp xúc chặt chẽ hơn với công tác của Bộ dân ủy ngoại thương, bởi vì ở ngoài nước trong số nhân viên Bộ dân ủy ngoại thương, chúng ta thiếu những nhân viên có kinh nghiệm. Tôi có nhiều tài liệu chứng tỏ rằng các nhân viên ở nước ngoài thường cảm thấy thật tủi nhục vì Bộ dân ủy ngoại thương Cộng hòa Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô Viết Nga không tìm cách gần gũi họ. Và về mặt này, vai trò của Ê-mê-li-a-nốp ắt sẽ rất lớn".

- Về việc đề bạt cán bộ. Ngày 24/12/1921, trong thư gửi cho đồng chí I-a-rô-xláp-xki (Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga), Lê-nin viết: "Tôi yêu cầu đồng chí phát biểu và tập hợp ý kiến nhận xét của tất cả những đồng chí có trọng trách và có uy tín về anh nông dân I-a-cô-ven-cô (hình như là Chủ tịch Ban Chấp hành Xô Viết huyện Can-xki, tỉnh Ê-ni-xây-xcơ), để Ban Chấp hành Trung ương thảo luận vấn đề bổ nhiệm I-a-cô-ven-cô làm Bộ trưởng dân ủy Bộ Nông nghiệp. Rất mong tiến hành việc này nhanh chóng và nghiêm túc".

4. Lê-nin với vấn đề xây dựng, củng cố sự đoàn kết nhất trí trong Đảng

Trong việc giáo dục phẩm chất đạo đức và bồi dưỡng nhân sinh quan cách mạng cho cán bộ, Lê-nin đặc biệt quan tâm đến sự củng cố Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức trên cơ sở đoàn kết, nhất trí, thống nhất ý chí và hành động; đấu tranh không khoan nhượng để chống lại những hành vi chia rẽ, bè phái làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng.

Cuối năm 1921, Lê-nin rất băn khoăn khi được biết về những sự bất hòa và mâu thuẫn nội bộ đã xảy ra trong tổ chức Đảng của Đảng bộ ở vùng Đôn-bát. Ngày 21/11/1921, Lê-nin gửi thư cho các đồng chí Mô-lô-tốp, Ra-cốp-xki... và Ban Chấp hành Trung ương Công đoàn công nhân mỏ toàn Nga, Người nói rõ: "Sự tranh chấp và bất đồng ý kiến ở Đôn-bát chẳng những đã xảy ra giữa Pi-a-ta-cốp (1) và Ru-khi-mô-vích (2) mà còn xảy ra giữa Pi-a-ta-cốp và Can-nin (3). Những sự bất hòa ấy ở Đôn-bát, pháo đài chiến đấu của chúng ta, là vô cùng nguy hiểm. Tôi yêu cầu các đồng chí nói rõ những biện pháp nào có thể (và phải) áp dụng để thanh toán sự bất đồng và tranh chấp ở Đôn-bát".

Cùng với việc ra sức vận dụng đúng đắn đường lối công tác tổ chức và cán bộ của Đảng, Lê-nin còn rất quan tâm sử dụng những biện pháp tổng hợp và tiến hành đồng bộ trên cả hai lĩnh vực xây và chống để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh.

5. Lê-nin với vấn đề giáo dục ý thức chí công vô tư, tinh thần cần, kiệm, liêm, chính và thái độ trách nhiệm nghiêm túc đối với cán bộ, đảng viên

Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân, đế quốc

Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân, đế quốc

- Trong thư gửi đồng chí Xmô-li-a-ni-nốp (Trợ lý Chánh văn phòng Hội đồng lao động và quốc phòng) ngày 25/9/1921, Lê-nin viết: "Thông qua đồng chí, tôi đã gửi thư cho Rư-cốp (Chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao). Thế mà không nhận được trả lời. Tôi quy lỗi đó cho đồng chí, bởi vì dĩ nhiên là Rư-cốp rất bận. Đồng chí đáng lý phải theo dõi để báo cáo bằng miệng cho tôi ý kiến của Rư-cốp. Như thế này là không được".

- Ngày 11/11/1921, trong thư gửi đồng chí Mi-khai-lốp (Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga), Lê-nin viết như sau: "Tôi đề nghị ủy quyền cho đồng chí Di-nô-ri-ép yêu cầu đồng chí Lêm-kê (làm việc tại Sở phát hành tiền) trình bày sự việc một cách ngắn gọn, chính xác, rõ ràng bằng văn bản, báo cáo cụ thể về việc Sở phát hành tiền nghi ngờ và buộc tội đồng chí. Nên lập một tiểu ban gồm ba người: 1) một ủy viên Ban Chấp hành Trung ương các Xô Viết toàn Nga; 2) Lêm-kê; 3) một đảng viên của chi bộ tại Sở phát hành tiền. Sau đó, Bộ Chính trị sẽ thảo luận để giải quyết đơn của Lêm-kê”.

- Trong thư gửi đồng chí Goóc-bu-nốp (Ủy viên Ban lãnh đạo Bộ dân ủy ngoại thương) ngày 19/11/1921, Lê-nin viết: "Đồng chí đã làm một việc cực kỳ sai: một văn kiện quan trọng như thế, đồng chí gửi cho tôi ngày 17/11 với một bản ghi ý kiến vô vị. Đáng lẽ phải gửi cho Hội đồng lao động và quốc phòng chứ!".

- Ngày 19/11/1921, trong thư gửi Tư lệnh bảo vệ Điện Krem-li, Lê-nin thẳng thắn phê bình: "Hôm qua vào lúc 8 giờ tối, đồng chí Gôn-đen-béc (nhà báo) đến thăm tôi. Mặc dù trước đấy nửa giờ, đã có thông báo trước cho sĩ quan trực nhật và các chiến sĩ bảo vệ, nhưng đồng chí đó vẫn bị giữ lại. Một lần nữa, tôi lưu ý đồng chí đến sự vi phạm quy chế. Đồng chí đừng bắt tôi phải áp dụng những biện pháp nghiêm khắc và đồng chí hãy làm sao cho một khi có bất kỳ sự thông báo nào của Ban thư ký của tôi cho các chiến sĩ bảo vệ, không xảy ra sự chậm trễ nào".

- Ngày 26/11/1921, trong thư thứ hai gửi Tư lệnh bảo vệ Điện Krem-li (sao gửi đồng chí Goóc-bu-nốp - Chánh văn phòng Hội đồng bộ trưởng dân ủy nước Cộng hòa Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô Viết Nga), Lê-nin viết: "Lại một lần nữa xảy ra chuyện những người đến gặp tôi bị các chiến sĩ bảo vệ giữ lại. Hôm nay, đồng chí Xô-côn-ni-cốp (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương các Xô Viết toàn Nga) đã bị giữ lại khoảng 10 phút khi đồng chí đó đến chỗ tôi. Có lẽ các chiến sĩ bảo vệ đã hành động đúng khi để Xô-côn-ni-cốp dùng điện thoại, bởi vì đó là điện thoại liên lạc nội bộ. Nhưng hãy còn có máy điện thoại thứ hai, lẽ ra chiến sĩ bảo vệ phải cho phép sử dụng nó. Tôi đã nhiều lần đòi hỏi đồng chí Tư lệnh bảo vệ Điện Krem-li phải đặt thành lề lối sao cho những người đến gặp tôi dù là không có giấy vào cửa, đều có thể, không gặp bất kỳ sự cản trở nào. Tôi lưu ý là đồng chí có thái độ lơ là đối với những yêu cầu của tôi".

- Trong điện báo bằng điện thoại gửi đồng chí Phô-min (Chủ tịch Hội đồng vận chuyển tối cao, Thứ trưởng Bộ dân ủy giao thông), ngày 02/12/1921, Lê-nin viết: "Những vật liệu dành cho công trường Ca-si-ra, gửi từ Pê-tơ-rô-grát các ngày 11 và 23 tháng 11, cho đến nay vẫn chưa đến công trường, mặc dù tôi đã có chỉ thị phải chuyển thật cấp tốc. Do sự chậm trễ này, nên không thể triển khai công việc xây dựng công trình tải điện. Tình hình này đã ảnh hưởng đến việc xây dựng Nhà máy điện Ca-si-ra vào sản xuất đúng thời hạn. Tôi đề nghị đồng chí điều tra việc này một cách hết sức nghiêm ngặt và ra chỉ thị ngay lập tức cho tuyến đường Pê-tơ-rô-grát - Mát-xcơ-va - Ca-ri-sa kéo đến Ca-si-ra các toa có số sau đây: 771 167, 590 175, 612 881, 171 843, 486 369, 465 049, 655 397, 69 578, 288 442 và 536 297 với sự ký nhận trực tiếp của kỹ sư trưởng hoặc của một trong các người phó của người ấy. Để đảm bảo chắc chắn hơn cho việc chấp hành lệnh này, đồng chí hãy bổ nhiệm đích danh những người có trọng trách trong Bộ dân ủy giao thông. Khi mỗi toa nói trên đi qua các ga Khô-vri-nô và Mát-xcơ-va, đồng chí hãy đánh điện báo cho kỹ sư trưởng của công trường Ca-si-ra là Txi-u-ru-pa về những toa tàu đó, theo địa chỉ sau đây: Ngõ Ma-lủi Tséc-cát-xki, Bãi Ca-li-a-din-xcôi-ê, công trường Ca-si-ra. Đồng chí hãy thông báo ngay lập tức cho đồng chí Xmô-li-a-ni-nốp về những biện pháp được áp dụng và kết quả”.

- Ngày 25/9/1922, trong thư gửi đồng chí Crư-len-cô (Chủ tịch Tòa án cách mạng tối cao, Thứ trưởng Bộ dân ủy tư pháp), Lê-nin viết: "Đồng chí Crư-len-cô! Ở chỗ đồng chí đang làm gì để ban hành bộ luật của chính quyền Xô Viết để kỷ niệm 5 năm ngày thành lập? Có phải chăng Ban biên soạn luật đang ngủ? Cần phải đánh thức nó dậy và viết cho tôi vài chữ"(*).

--------------------------------

(1) Pi-a-ta-cốp: Chủ tịch Tổng công nghiệp than vùng Đôn-bát

(2) Ru-khi-mô-vích: Chủ tịch Ban Chấp hành Xô Viết tỉnh Đô-nê-txơ

(3) Can-nin: Chủ tịch Ban miền Nam của Công đoàn công nhân mỏ

(*) Nguồn sử liệu của bài viết này được khảo cứu trong V.I.Lê-nin toàn tập, tập 54, bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979.

(Còn tiếp..)

TRẦN HỮU PHƯỚC

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/dao-duc-cach-mang-cao-ca-cua-vle-nin_176953.html