Đạo đức cách mạng - xây bồi theo tiến trình phát triển xã hội xã hội chủ nghĩa
Hầu hết người Việt Nam mà nhất là các thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội đều hiểu về đạo đức và đạo đức cách mạng. Gần đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 “Về chuẩn mực đạo đức Cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” đã “khuấy động” nhận thức của nhiều người. Đạo đức cách mạng là vấn đề “cũ” nhưng bản thân nó chỉ mới “thai nghén” so với lịch sử đạo đức. Do đó, đạo đức cách mạng phải được xây bồi theo tiến trình phát triển xã hội xã hội chủ nghĩa. Việc hiểu đúng và đầy đủ về đạo đức cách mạng là cần thiết để tránh trạng thái kỳ vọng cao và thất vọng lớn.
Hiểu nôm na, đạo đức là quan niệm của cộng đồng và xã hội về những điều tốt - xấu, đúng - sai. Chuẩn mực đạo đức là các nguyên tắc về nghĩa vụ, trách nhiệm và bổn phận của con người nhằm điều chỉnh hành vi trong các mối quan hệ xã hội. So với đạo đức xã hội, đạo đức cách mạng là một sự kế thừa và phát triển có tính bước ngoặt. Nếu trong xã hội cũ, con người sống theo kiểu “Ai chết mặc ai” thì đạo đức cách mạng sẽ là “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt đạo đức cách mạng: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Quy định số 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng thể hiện trong 5 điều với 19 nội dung xác lập hành vi ứng xử của cán bộ, đảng viên đối với đất nước, quốc tế, Đảng, tổ chức, cộng đồng và gia đình. Đạo đức cách mạng là đạo đức của những người Cộng sản, của con người xã hội xã hội chủ nghĩa. Nền tảng của đạo đức cách mạng là kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa. Theo học thuyết Mác - Lênin, đạo đức là một thành tố của kiến trúc thượng tầng được quy định bởi cơ sở hạ tầng.
Như vậy, đạo đức cách mạng (cách gọi khác là đạo đức xã hội xã hội chủ nghĩa) được sinh ra từ kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa. Nhưng, đạo đức nói riêng, kiến trúc thượng tầng nói chung có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến cơ sở hạ tầng. Nói cách khác, con người vừa là sản phẩm xã hội, vừa là chủ thể của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh có luận giải: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người mới xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa”.
Mặc dù đạo đức hay kiến trúc thượng tầng có vai trò quan trọng, nhưng xét cho cùng, nó bị quy định bởi cơ sở hạ tầng. Đạo đức xã hội chủ nghĩa chỉ có thể hình thành và phát triển trên nền tảng của kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa. Không có nền tảng kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa mà tuyên bố có con người (mới) xã hội chủ nghĩa, có đạo đức xã hội xã hội chủ nghĩa là kiểu tư duy duy ý chí, phi thực tế. Thực tiễn đã minh chứng đầy thuyết phục cho nhận định đó.
Từ cuối thập niên 60, lãnh đạo Liên Xô từng ảo tưởng đất nước mình đã có xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn đầu của xã hội xã hội cộng sản chủ nghĩa. Và ở đây đã và đang có những con người xã hội xã hội chủ nghĩa với những phẩm chất đặc trưng tốt đẹp nhất. Nhưng, chỉ những tác động khách quan và chủ quan từ nội tại cũng như bên ngoài, Liên bang Xô Viết sụp đổ, tan vỡ và theo đó, những con người được gọi là con người mới của xã hội ấy quay lưng lại với nhau, thậm chí hận thù và gây chiến lẫn nhau - “Người với người là chó sói”. Tuy không “vơ đũa cả nắm”, nhưng hôm trước là những con người xã hội chủ nghĩa, hôm nay đâu hết rồi! Điều rõ ràng, chưa có nền tảng kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa thì chưa thể nói có con người đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Karl Marx có luận điểm rất duy vật rằng: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Đạo đức xã hội xã hội chủ nghĩa là kết quả từ nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan. Về chủ quan, con người phải học tập và rèn luyện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng lưu ý: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Về mặt khách quan, đạo đức xã hội xã hội chủ nghĩa được kết tinh từ quá trình của công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa. So sánh một cách hình ảnh, người nông dân xây dựng được quê hương nông thôn mới mới trở thành nông dân tiến bộ; người đô thị kiến thiết được đô thị hiện đại mới trở nên thị dân thông minh và những công dân xây dựng được đất nước xã hội xã hội chủ nghĩa “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì mới là những con người xã hội chủ nghĩa. Chỉ khi có nền tảng kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa, nói cụ thể là có lực lượng sản xuất phát triển cao và quan hệ sản xuất công hữu thì đạo đức xã hội xã hội chủ nghĩa mới thật sự đứng vững, tỏa sáng.
Đạo đức cách mạng là một kiểu đạo đức phát triển cao của tiến trình phát triển xã hội loài người. Đạo đức ấy được hình thành, củng cố và phát triển trong quá trình xây dựng xã hội xã hội cộng sản chủ nghĩa. Nếu hình dung, đất nước ta đang phát triển định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa, thì việc xây dựng đạo đức cũng theo tiến trình ấy. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức là rất cần thiết bởi Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã nhấn mạnh: “Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng”.