Đạo đức và văn minh

Đại hội XIII của Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của dân tộc. Đại hội diễn ra ở thời điểm kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Vào dịp này, chúng ta lại nhớ mấy câu thơ của Bác Hồ ở phần kết bài phát biểu kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, trong đó Bác viết: 'Đảng ta là đạo đức, là văn minh/Là thống nhất độc lập, là hòa bình ấm no'.

Cả đoạn thơ không chỉ là lời khen mà còn là lời dạy; là sự đánh giá rất cao lịch sử và sự nghiệp của Đảng; là lời động viên và yêu cầu toàn Đảng tiếp tục phát huy xứng đáng hơn nữa truyền thống của mình.

Mục tiêu của Đảng và cách mạng Việt Nam thể hiện trong lời thơ của Bác “Là thống nhất độc lập, là hòa bình ấm no”. Đó là hạnh phúc của toàn dân từ Bắc chí Nam, được sum họp một nhà, được sống trong hòa bình, thống nhất, độc lập, giàu mạnh, văn minh. Nhưng muốn làm được thế thì Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng mục tiêu đó vẫn đang là mục tiêu phấn đấu của Đảng ta.

Không chỉ chúng ta mà nhiều nhà nghiên cứu thế giới đều đánh giá Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng, của dân tộc quan tâm nhiều đến giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Ngay khi huấn luyện cho lớp cán bộ trẻ chuẩn bị thành lập Đảng, Người đã giảng về “tư tưởng người cách mạng” để đảng viên cũng như toàn Đảng rèn luyện đủ bản lĩnh, năng lực và tín nhiệm lãnh đạo Nhân dân vùng lên giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám thành công, Người lại càng quan tâm nhiều đến giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên của một Đảng cầm quyền. Trong di chúc, Người đã nhắc lại quan điểm nhất quán, mong muốn “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”, do đó, “Mỗi đảng viên, cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Ngay trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đang lãnh đạo đạt được những thành tựu rất quan trọng, được Nhân dân thừa nhận. Song, trong lúc này, chúng ta lại nhớ tới tầm nhìn xa, cảnh báo sớm, khi Người nhắc nhở “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Người còn nhắc “Trước mặt quần chúng, không phải cứ viết lên trên trán hai chữ “cộng sản” là được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”.

Bác Hồ nói Đảng ta là đạo đức. Đạo đức là kết tinh ở đây mang tính cách mạng và nhân văn sâu sắc, là những giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc được người đảng viên tiếp thu và tự giác thực hiện làm gương cho Nhân dân. Tiêu chuẩn thứ nhất của người đảng viên và cán bộ cách mạng là phải có đạo đức. Đó là tinh thần yêu Tổ quốc, kính trọng Nhân dân, thắng chủ nghĩa cá nhân, hết lòng phụng sự đất nước, quê hương, chân thành sửa lỗi mình, chân thành giúp đỡ đồng chí. Đó là đạo đức cách mạng, kế thừa và phát huy cao giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Người dạy: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa… Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách vở mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”.

Cùng với lời dặn về đạo đức, Bác Hồ còn yêu cầu mong muốn “Đảng là văn minh”. Văn minh, theo từ điển Tiếng Việt là đặc trưng của nền văn hóa cao. Do đó, Bác Hồ yêu cầu và mong muốn Đảng ta phải nâng tầm lên, trước hết là tầm hiểu biết, tầm đối xử với con người, phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội, ra sức học tập để nâng cao tầm trí tuệ ngang tầm thời đại trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế nhằm đảm bảo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Có tầm ứng xử đúng: khoan hòa, nhân ái, sống có tình, có nghĩa theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mới có thể tập hợp sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến đấu cam go mới như Di chúc Người nhắc nhở “Thắng bần cùng lạc hậu còn khó khăn hơn nhiều so với thắng đế quốc, phong kiến”. Theo Người, đây là “cuộc chiến đấu khổng lồ” để “chống lại cái gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi”. Vì vậy, Người căn dặn: “Phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”.

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, đề cập đến đạo đức và văn minh, có giá trị thực tế rất lớn. Văn minh phản ánh trí tuệ, nhận thức của Đảng và người đảng viên mang tính tiên phong nắm vững khoa học chính trị Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, biến thành quan điểm, đường lối đổi mới, thành tư tưởng và văn hóa mỗi đảng viên của Đảng. Đó là văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa Đảng.

Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Đó không chỉ là kết tinh những giá trị tốt đẹp của giai cấp công nhân và toàn dân tộc, mà còn là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và thời đại. Nhờ đó, Đảng ta có uy tín về chính trị, tư tưởng và văn hóa, giữ được vai trò lãnh đạo, lôi cuốn được Nhân dân đứng lên làm cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, người đảng viên hiện nay đang tự giác phát huy tinh thần đoàn kết phấn đấu nâng cao đạo đức cách mạng trong sáng, giữ gìn lối sống lành mạnh, gương mẫu chấp hành đường lối của Đảng, không ngừng học tập, nâng cao hiểu biết về mọi mặt để làm tốt chức năng lãnh đạo, phụ trách của mình, xứng đáng với niềm tin cậy của Nhân dân.

KHUẤT MINH PHƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202102/dao-duc-va-van-minh-3041957/