Đạo luật Caesar - Đòn chí mạng của Mỹ nhằm vào Syria
Nhiều nhà phân tích cho rằng lệnh trừng phạt mới của Mỹ tập trung vào chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ ảnh hưởng nặng nề tới người dân thường Syria.
Tờ Aljazeera cho biết mặc dù Liên hợp quốc không áp đặt lệnh trừng phạt lên Syria nhưng nhiều quốc gia trong đó có Mỹ và thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đơn phương ban hành lệnh trừng phạt với chính phủ Syria kể từ khi nội chiến tại quốc gia Trung Đông này bùng phát năm 2011. Tuy nhiên, hiệu quả của những lệnh trừng phạt này vẫn mơ hồ.
Trong khi đó, Đạo luật Caesar của Mỹ có hiệu lực từ tháng 6 này nhắm đến các công ty, cá nhân, tổ chức Syria và nước ngoài có liên quan tới chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.
Từ 17/6, Đạo luật Caesar nhắm tới những người ủng hộ chính phủ Tổng thống al-Assad về chính trị, ngân hàng và thương mại.
Giám đốc chương trình Bắc Phi và Trung Đông tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) Julien Barnes-Dacey nhận định: “Lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm tới nhiều lĩnh vực hơn, nhưng điều quan trọng là nó liên quan tới việc Mỹ trừng phạt những nước khác muốn kinh doanh với chính phủ Syria để đảm bảo tăng cường cô lập kinh tế quốc gia Trung Đông này”.
Ông Zaki Mehchy tại Trung tâm nghiên cứu Chính sách Syria nhận xét: “Đạo luật Caesar là thông điệp trực tiếp trừng phạt đồng minh của Syria và gián tiếp nhắn nhủ tới các quốc gia Vùng Vịnh và một số nước châu Âu đang cố gắng bình thường hóa mối quan hệ với Tổng thống Assad”.
Nền kinh tế Syria đã theo chiều xuống dốc trong vài tháng qua khi đồng tiền nội địa pound mất 70% giá trị. Syria phải phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng của nước láng giềng Lebanon để tiếp cận với mạng lưới tài chính. Nhưng Lebanon cũng rơi vào khủng hoảng kinh tế và rối loạn chính trị.
Do vậy nhiều nhà phân tích cho rằng Đạo luật Caesar là con dao 2 lưỡi không chỉ ảnh hưởng đến chính phủ của Tổng thống Assad mà còn những nước hỗ trợ Syria cũng như nỗ lực nhân quyền tại Syria và Lebanon.
Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Syria từ năm 1979. Khi đó Washington xếp Damascus vào danh sách “bảo trợ khủng bố” đồng thời áp đặt hạn chế đối với những sản phẩm Syria có thể sử dụng cho mục đích quân sự và dân sự.
Năm 2011, Mỹ cấm giao dịch dầu mỏ Syria. Gần đây, Mỹ trừng phạt một số cá nhân và tổ chức Syria bị cáo buộc liên quan đến vụ ngộ độc khí sarin tại Khan Sheikhoun vào tháng 4/2017.
Những lệnh trừng phạt này chỉ tập trung vào quân đội, doanh nhân, công ty tư nhân và doanh nghiệp quốc doanh Syria trong lĩnh vực dầu mỏ, ngân hàng. Như vậy ảnh hưởng của những lệnh trừng phạt này vẫn giới hạn và chỉ tác động đến khả năng giao thương và nhận hỗ trợ tài chính từ bên ngoài của chính phủ Tổng thống Assad.
Theo ông Julien Barnes-Dacey, những lệnh trừng phạt này không tác động mạnh bằng Đạo luật Caesar.
Nhà nghiên cứu Rim Turkmani tại Trường Kinh tế London đánh giá: “Mục đích chính của những lệnh trừng phạt này là thay đổi chế độ hoặc hành động của chính phủ Syria do vậy không gây nhiều áp lực đối với người dân thường. Tuy nhiên mục đích này chưa thể đạt được”.
Ở thời điểm này chính quyền của Tổng thống Assad vẫn nhận được ủng hộ của Nga và Iran. Trong khi đó, cộng đồng thế giới ghi nhận quyền lãnh đạo của ông với tư cách là một tổng thống dân cử. Cuộc bầu cử sắp tới tại Syria sẽ diễn ra vào năm 2021.