'Đào mỏ vàng' từ xuất khẩu trực tuyến

Dịch COVID-19 khiến hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như hội chợ, triển lãm quốc tế bị 'đóng băng', nhưng lại là chất xúc tác cho xuất khẩu trực tuyến phát triển mạnh mẽ. Xuất khẩu trực tuyến sẽ giúp những người sản xuất nhỏ của Việt Nam có thể kết nối với khách hàng toàn cầu, tất nhiên yếu tố tiên quyết vẫn dựa trên chất lượng, sự độc đáo của sản phẩm.

Mới đây, Bộ Công Thương đã hợp tác một số đơn vị để xây dựng vận hành và triển khai nền tảng sàn thương mại điện tử Việt Nam - EU. Ý tưởng lập sàn thương mại điện tử này được ra đời trong bối cảnh phần lớn khách hàng trên thế giới tìm kiếm online trước khi ra quyết định mua hàng, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Xuất khẩu trực tuyến bùng nổ

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, thị trường châu Âu luôn luôn mở cửa cho tất cả nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp, đặc biệt hàng hóa của Việt Nam luôn nằm trong danh mục ưu tiên nhập khẩu của châu Âu, nhất là khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, một trong những vướng mắc nhất hiện nay là hoạt động xúc tiến, giao thương thương mại chủ yếu được thực hiện qua các kênh truyền thống như đại sứ quán, đơn vị trung gian.

Sản phẩm Cao sao vàng Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Sản phẩm Cao sao vàng Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

"Vừa qua, chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu khảo sát của DN EU nhằm thăm dò thị trường, hàng hóa Việt Nam, nhưng việc kết nối cũng còn gặp nhiều khó khăn về thời gian, thông tin", ông Minh cho biết.

Phó Chủ tịch EuroCham nhìn nhận, sàn thương mại điện tử Việt Nam - EU là tham vọng lớn của Bộ Công Thương, nhưng nếu được hoàn thiện thì sẽ là cú hích lớn cho kết nối giao thương về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - EU.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị DN và Kinh tế số Việt Nam tiết lộ, cuối năm 2021, version 1 của sàn thương mại điện tử Việt Nam - EU sẽ được vận hành. Theo đó, tất các hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ và vừa, chủ cơ sở sản xuất ở làng nghề, sản phẩm OCOP có thể tìm hiểu, buôn bán với thị trường EU qua sàn.

"Đây là sàn thương mại điện tử được khởi tạo bởi người Việt Nam, xây dựng thị trường cho hàng hóa Việt Nam", ông Hùng nhấn mạnh.

Trên thực tế, thời gian vừa qua, hoạt động xuất khẩu trực tuyến cũng bùng nổ mạnh mẽ khi dịch COVID-19 bùng phát. Trước đây, khi chưa xảy ra dịch bệnh COVID-19, nhiều DN Việt Nam thường đưa các mẫu thiết kế ra nước ngoài để giới thiệu cho các khách hàng quen, tìm thêm khách hàng mới tại các hội chợ. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch bệnh, việc đi lại khó khăn, DN đã chủ động liên hệ, trao đổi với khách hàng bằng hình thức trực tuyến.

Đơn cử, năm 2020, Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt đã tăng trưởng tới 40% doanh thu về xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nhờ chuyển biến cách thức marketing và chủ động thay đổi sản xuất đáp ứng yêu cầu của hệ thống mua hàng. Bà Phạm Thị Hồng Quang, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ, đi hội chợ trực tiếp do hạn chế về chi phí nên mỗi lần chỉ mang theo được ít sản phẩm, khách hàng thường không thỏa mãn. Còn trên kênh online, khách hàng được nhìn tổng thể tất cả sản phẩm, thậm chí còn có ý tưởng kết hợp các món hàng với nhau thành những bộ sản phẩm độc đáo, riêng biệt. Việc đầu tư online rất quan trọng, thay vì một năm mất mấy trăm ngàn USD đi hội chợ ở các nước thì marketing online có thể tiết kiệm chi phí, hiệu quả cao.

Bán online, sản phẩm càng phải 'chất'

Nhìn nhận xu hướng này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhiều lần nhắc tới câu chuyện phát triển công nghệ số có thể giúp những người sản xuất nhỏ ở Việt Nam có thể xuất khẩu tới thị trường thế giới.

"Tôi hy vọng trong tương lai phía Hoàng gia Anh hay Đệ nhất phu nhân Mỹ cũng có thể đặt hàng từ cô thợ may ở Hội An hay nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk Việt Nam", Chủ tịch VCCI nói.

Nhận thấy thị trường hàng hóa rộng lớn ở Việt Nam, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Alibaba, Amazon... cũng không bỏ qua cơ hội trong việc thu hút người bán hàng Việt Nam tham gia. Ông Stephen Kuo, Trưởng bộ phận châu Á Thái Bình Dương Alibaba.com đánh giá, các FTA được ký kết gần đây và tình hình khó lường của đại dịch là những yếu tố chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam. Số hóa không chỉ phục vụ tốt cho các DN bán hàng, mà còn cho phép họ tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững hơn.

"Tôi luôn nhấn mạnh rằng Việt Nam là một thị trường có tiềm năng cao, tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn áp dụng số hóa trên tất cả các ngành và lĩnh vực kinh doanh. Vì vậy, chúng tôi mong muốn làm việc với nhiều DN nhỏ và vừa Việt Nam hơn nữa để xây dựng, chuyển đổi hoạt động kinh doanh trở nên bền vững hơn và tạo ra lợi ích lâu dài”, ông Stephen Kuo chia sẻ.

Các chuyên gia khuyến nghị, sự chủ động của DN trong chuyển đổi số là rất cần thiết, cần phải nghiên cứu dữ liệu được phân tích trên các sàn thương mại điện tử để định hướng chiến lược và lựa chọn thị trường mục tiêu, nắm vững kiến thức về các nghiệp vụ xuất khẩu để tạo niềm tin với khách hàng...

Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị DN và Kinh tế số Việt Nam Nguyễn Kim Hùng cũng cho rằng, cách thức bán hàng hiệu quả là rất cần thiết, nhưng cuối cùng thì vẫn cần quay trở về chất lượng sản phẩm. Theo đó, để xuất khẩu trực tuyến qua thị trường EU hay bất kỳ một thị trường nào khác, điều quyết định sự phát triển bền vững là sản phẩm của DN Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, dán nhãn mác đúng yêu cầu, bao bì bắt mắt, đáp ứng được tiêu chuẩn khó tính, khắt khe nhất...

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dao-mo-vang-tu-xuat-khau-truc-tuyen-1077540.html