Đảo ngược tình thế trong cuộc chiến UAV, Nga từng bước bào mòn phòng không Ukraine

Nga hiện không chỉ sản xuất được nhiều UAV hơn mà còn phát triển các mẫu mới với hàng loạt nâng cấp về công nghệ, cho phép họ thực hiện các cuộc không kích quy mô lớn vào các thành phố của Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã thực hiện cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất kể từ đầu cuộc xung đột rạng sáng ngày 9/7, với tổng cộng 741 thiết bị trên không được triển khai. Theo thông báo đăng trên Telegram của Không quân Ukraine, Nga đã phóng 728 UAV, bao gồm cả UAV tấn công và thiết bị nghi binh, cùng 13 tên lửa vào lãnh thổ Ukraine trong đêm.

Cuộc tấn công UAV của Nga vào Kiev ngày 6/7. Ảnh: Reuters

Cuộc tấn công UAV của Nga vào Kiev ngày 6/7. Ảnh: Reuters

Cuộc không kích của Nga nhằm vào Kiev trước đó hôm 4/7 cũng diễn ra với quy mô lớn. Vụ tấn công diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin kết thúc một cuộc điện đàm bị đánh giá là không đạt kết quả.

Giới quan sát nhận định, các đợt không kích mới nhất của Nga cho thấy rõ cán cân trong cuộc chiến máy bay không người lái giữa Ukraine và Nga đang thay đổi.

Nga giành lại thế chủ động trong cuộc chiến UAV

Một số nhà phân tích nhận định, trong vài năm đầu xung đột nổ ra, ngành công nghệ năng động và hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động của Ukraine đã giúp nước này vượt trội Nga về công nghệ, bất chấp việc Điện Kremlin sở hữu nguồn lực lớn hơn nhiều lần.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, ưu thế công nghệ đã dần nghiêng về phía Moscow. Sự thay đổi này bắt nguồn từ cả số lượng lẫn chất lượng. Nga hiện không chỉ sản xuất được nhiều UAV hơn mà còn phát triển các mẫu mới với hàng loạt nâng cấp về công nghệ, cho phép họ thực hiện các cuộc không kích quy mô lớn vào các thành phố Ukraine, vượt quá khả năng phòng thủ hạn chế của Kiev.

Từ năm 2022, UAV đã trở thành vũ khí chủ lực của cả hai bên. Hệ sinh thái sản xuất UAV của Ukraine đã tăng trưởng mạnh, từ chỉ vài doanh nghiệp lên hơn 200 công ty. Sự mở rộng này thúc đẩy đổi mới công nghệ và tăng cường khả năng phòng thủ, nhưng đồng thời cũng khiến việc mở rộng sản xuất các giải pháp hiệu quả gặp nhiều thách thức do thị trường phân mảnh.

Ngược lại, Nga tận dụng thế mạnh truyền thống về sản xuất quy mô lớn. Ban đầu phụ thuộc vào các UAV Shahed do Iran cung cấp nhưng sau đó, Moscow nhanh chóng thiết lập dây chuyền sản xuất trong nước tại Tatarstan và các địa phương khác. Các nhà máy này được cho là đang sản xuất hơn 5.000 UAV mỗi tháng.

Song song với việc gia tăng sản lượng, các UAV tấn công của Nga cũng đã trải qua nhiều đợt nâng cấp. Một số mẫu UAV gần đây được cho là đã tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép chúng hoạt động tự động, trong khi phần lớn UAV mới mang theo đầu đạn lớn hơn và có thể bay cao hơn, khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn.

Kết quả là các đợt tấn công bằng UAV của Nga đang đạt quy mô chưa từng có. Trong suốt mùa xuân và đầu hè năm 2025, nhiều thành phố Ukraine liên tiếp đối mặt với các cuộc không kích. Hiện tại, Nga có khả năng phóng hơn 500 UAV chỉ trong một đêm. Dựa trên xu hướng hiện tại, các chuyên gia Ukraine cảnh báo, Moscow có thể sớm tiến tới các đợt không kích quy mô 1.000 UAV mỗi lần.

Chiến thuật của Nga trong chiến dịch không kích UAV cũng đang thay đổi nhanh chóng. Các đợt tập kích vào ban đêm giờ đây thường xuyên bao gồm hàng trăm UAV Shahed được nâng cấp, đồng loạt tấn công các mục tiêu của Ukraine từ nhiều hướng khác nhau, sau đó là các đợt tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình nối tiếp. Moscow tính toán, chiến lược này sẽ làm cạn kiệt hệ thống phòng không vốn đã hạn chế của Ukraine.

Ưu tiên của Ukraine

Ưu tiên chiến lược hiện nay của Ukraine là phát triển hệ thống phòng thủ có thể triển khai trên diện rộng và tiết kiệm chi phí, đủ sức đánh chặn số lượng lớn UAV tấn công của Nga. Những vũ khí chống tên lửa tiên tiến như hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất tuy hiệu quả, nhưng quá đắt đỏ và khan hiếm để sử dụng thường xuyên chống lại các loại UAV giá rẻ và dồi dào do Nga sản xuất.

Nhiều chuyên gia cho rằng UAV đánh chặn là giải pháp phù hợp nhất cả về công nghệ lẫn chi phí để đối phó với các đợt tấn công UAV của Nga. Một số mẫu UAV đánh chặn hiện đang được nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm trực tiếp trong điều kiện chiến trường.

Tổng thống Zelensky cho biết UAV đánh chặn đã phát huy hiệu quả trong đợt tấn công ngày 4/7, giúp bắn hạ “hàng chục chiếc UAV Shahed”. Ông cam kết mở rộng sản xuất và tăng cường đào tạo lực lượng vận hành UAV của Ukraine.

Kiev cũng đang mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm phát triển và sản xuất UAV đánh chặn cũng như các mẫu UAV khác. Ngoài UAV đánh chặn, các giải pháp khác hiện đang được Ukraine và các nước đối tác xem xét bao gồm: vũ khí sử dụng tia laser, tháp pháo tự động tích hợp AI và hệ thống đánh chặn trên không sử dụng trực thăng hoặc máy bay cánh quạt.

Cuối cùng, yếu tố linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh sẽ mang tính quyết định trong một cuộc xung đột mà đối phương cũng không ngừng học hỏi và đổi mới.

Xung đột Ukraine đang viết lại quy tắc chiến tranh hiện đại

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đang định hình lại các quy tắc của xung đột hiện đại. Trong cuộc cạnh tranh của những đổi mới, sáng tạo, bài học lớn nhất cho đến nay là ưu thế tuyệt đối của UAV. Ukraine từng dẫn đầu trong giai đoạn đầu nhưng hiện tại, Nga đã giành lại thế chủ động.

Trong những tháng tới, các đồng minh của Kiev có thể sẽ tăng tốc hỗ trợ để thu hẹp khoảng cách với Moscow trước khi lợi thế hiện tại của Nga trong cuộc chiến UAV trở thành yếu tố mang tính quyết định.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Atlantic Council, ABC News

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/dao-nguoc-tinh-the-trong-cuoc-chien-uav-nga-tung-buoc-bao-mon-phong-khong-ukraine-post1213502.vov