Đào Nhật Tân và 'canh bạc' cam go với ông trời
Người nghệ nhân trồng đào trên 30 năm ở Nhật Tân đã ví nghề này như 'đánh bạc với trời', bởi dồn hết vốn liêng, công sức cả một năm chỉ mong thu hoạch vụ Tết. Ấy vậy mà bão Yagi năm vừa qua đã khiến canh bạc này trở nên cam go hơn bao giờ hết.
Ngồi bên cành đào vừa cắt cho khách trong phiên chợ những ngày cuối năm, bà Lê Thị Ngoan - nghệ nhân có trên 30 năm trồng đào kể từ khi lấy chồng về đất Nhật Tân bộc bạch với PetroTimes: “Trồng một cây đào không hề đơn giản, để đào nở đúng vụ, đúng dịp Tết lại càng khó, không có một công thức cụ thể nào, cũng không ai biết tuốt lá vào thời điểm nào để thu được vụ đúng ngày, bởi phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Chẳng phải tự nhiên người ta gọi nghề trồng đào là nghề 'đánh bạc với ông trời'”.
“Canh bạc” vụ Tết năm nay của người trồng đào Nhật Tân thật sự là một phen đấu trí căng thẳng, gay gấn với ông trời khi cơn bão Yagi ập tới. Cách đây 4 tháng, ngày nước rút cũng là lúc bà Ngoan “cơm chan nước mắt” vì bao vốn liếng, công sức chăm bẵm vườn đào giờ chỉ trơ lại một màu bùn đất, xơ xác.
“Phần vì tiếc công sức, tiền bạc cho vụ này, phần vì nhìn những cành đảo xanh tươi khỏe khoắn ngày nào giờ chỉ còn đống củi khô này nhuộm bùn. Người ở đây ăn ngủ với đào nhìn vậy không xót xa sao được. Điều chúng tôi lo nhất không phải năm nay thua canh bạc với ông trời mà sẽ mất đi nhiều giống đào gây trồng bao lâu mới có được, chắc phải mất 3-5 năm, làng tôi mới có lại được những vườn đào như trước khi có bão Yagi”, bà Ngoan chia sẻ.
Thời tiết khắc nghiệt như vậy nên công sức của những nghệ nhân trồng đào tại làng Nhật Tân cũng vất vả hơn mọi năm. Thật may cho bà Ngoan và các hộ khác khi về cuối vụ thì thời tiết thuận lợi hơn nên vớt vát được phần nào. Tuy nhiên, số đào còn cứu vãn được cũng không thấm gì so với toàn diện tích vùng đất này, do đó, giá đào tết năm nay tăng vọt.
Với hàng phân khúc tầm cao, những cành đào huyền năm ngoái bán được 2.000.000 đồng thì năm nay đã tăng lên gần 3.000.000 đồng; phân khúc tầm trung có giá dao động khoảng hơn 1.000.000 đồng cũng có nhiều dịch chuyển; phân khúc tầm vài trăm có giá bán đắt hơn năm ngoái.
Để bắt đầu một vụ đào mới, người trồng đào phải bắt đầu vụ mùa từ ngày 30 Tết, ngay sau đêm giao thừa, bà Ngoan đã ra vườn xem mầm đào lên như thế nào để sửa mầm và chăm mầm. Năm nào nắng, khô nhiều hơn nếu không chăm cẩn thận đào sẽ bị vống lên nên mất thời gian hơn. Năm nào bão lũ thì nguy cơ mất mùa rất cao. Mỗi nghệ nhân trồng đào sẽ có một kỹ thuật canh tác cũng như mắt thẩm mỹ khác nhau để uốn ra các thế đào khác nhau.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nhật Tân quản lý 90ha sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 70ha là đất trồng hoa đào với khoảng 780 hộ tham gia; diện tích còn lại trồng hoa màu khác. Nếu như trước đây diện tích đất trồng đào chủ yếu ở khu vực khu đô thị Ciputra bây giờ thì hiện nay số diện tích trồng đào tập trung khu vực bãi sông Hồng. Dịp Tết Nguyên đán mỗi năm, Hợp tác xã đã cung cấp ra thị trường hàng vạn cành đào thế, đào cành. Doanh thu bình quân từ trồng đào của cả Hợp tác xã đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Vụ năm nay, theo số liệu cập nhật của UBND quận Tây Hồ (Hà Nội), ước tính 105ha trồng đào trên địa bàn quận đã bị ngập do mưa lũ, thiệt hại khoảng 85,26 tỷ đồng. Trong đó, phường Nhật Tân bị ngập 80ha; phường Phú Thượng là 25ha.
Đào Nhật Tân được biết đến là nơi trồng nhiều đào lâu năm và có tiếng nhất miền Bắc. Đào ở đây nổi tiếng với những cánh hoa to, đẹp và dày mà không vùng nào có được. Những năm gần đây người dân không "săn" những gốc đào nhỏ có thế độc lạ mà chuyển qua lựa chọn những cây đào dáng huyền uyển chuyển, mềm mại với nhiều kích thước, kiểu dáng khác nhau.
Chia sẻ về sự xuất hiện của thế đào độc lạ này, bà Ngoan cho biết, đào thế huyền (đào huyền) bắt đầu xuất hiện từ 5-7 năm về trước, khi một số hộ cắt các cành đào có dáng ngả tự nhiên từ những cây thế huyền lùn và thấp. Sau khi cắm trong các không gian bàn tiếp khách, kệ gần tivi hay trên bàn thờ thấy đẹp, các hộ bắt đầu nghiên cứu và trồng giống lớn.
Năm 2018, thế huyền bắt đầu được bán nhiều hơn và đỉnh điểm từ năm 2022 đến nay, cành đào huyền như trở thành “mốt” đào, không những các gia đình ở Hà Nội săn lùng cành đào huyền mà thương lái các tỉnh cũng đánh xe xuống lấy hàng rất nhiều.
Để có được các thế đào huyền đẹp, bà Ngoan chia sẻ, công sức chăm sóc yêu cầu nhiều hơn các thế đào thẳng thông thường, muốn uốn được một cây đào cần đến 3-4 cọc, nhất là vào mùa gió bão sẽ tốn nhiều cọc hơn để giữ cành không bị gãy.
Dạo một vòng quanh chợ hoa Quảng Bá các phố phường Hà Nội, đào phai, đào bích, cánh đơn, cánh kép được bày bán rất đa dạng. Những nụ đào e ấp chờ ngày bung nở xen lẫn những cánh hoa đã căng tràn nhựa sống khoe hương sớm điểm tô cho Hà Nội bước vào một mùa Tết 2025.
Người ta đi sắm tết và nói với nhau rằng: “Đào Nhật Tân lại khoe sắc rồi kìa” như nhìn thấy sức sống mãnh liệt từ vùng đất lưu dấu những giống đào đẹp nhất của Hà Nội này. Chỉ hết tháng Giêng thôi, bà Ngoan cùng những nghệ nhân trồng đào nơi đây lại bắt đầu một vụ đào mới, một “canh bạc” nữa lại chuẩn bị vào mùa mới hứa hẹn bao ước vọng của tương lai.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dao-nhat-tan-va-canh-bac-cam-go-voi-ong-troi-723468.html