Dòng sông thơ ấu
Đời người trong cõi bao la của đất trời, nếu không gắn bó với một ngọn núi cũng gắn bó với một dòng sông, không gắn bó với sa mạc khô cằn cũng gắn bó với phù sa màu mỡ… Những dòng sông bé nhỏ hiền hòa hay rộng lớn, hùng vĩ cũng là kết tinh từ những ngọt lành của trời đất, như tấm lòng bao la của mẹ thiên nhiên.
Sinh ra trong thời buổi còn khốn khó, những đứa trẻ miền núi thế hệ chúng tôi được gắn bó với dòng sông cả thời ấu thơ, cứ thế mà chúng tôi lớn lên cùng chim muông cây cỏ qua biết bao thử thách sinh tồn.
Từ nơi dòng sông chảy qua đã sinh ra đôi bờ, để rồi con người đến lập làng, dựng nhà, sinh con đẻ cái. Đất đai, cây cỏ tươi tốt, chim muông, thú vật đến làm tổ, đào hang, rồi quần tụ thành bầy đàn. Cũng từ nơi dòng sông chảy qua, chia cách con người thành đôi bờ bồi, lở. Để qua sông, con người phải bắc cầu, làm thuyền. Để đến được với nhau, con người phải vượt qua một khoảng cách của mong ngóng, cách trở.
Trời đất sinh ra bốn mùa xuân hạ thu đông để con người và thiên nhiên cứ thế xoay vòng ứng với thời gian của thiên mệnh, nhưng dường như dòng sông là một ngoại lệ của tạo hóa khi cứ luôn luôn hồn nhiên minh triết. Dòng sông cứ thế chảy mải miết, qua trăm năm, qua ngàn năm, qua tâm tưởng của bao thế hệ con người. Mỗi lần trở về đứng trước dòng sông xưa, tôi luôn thấy đó là dòng sông ấu thơ, dẫu làng mạc lúc thịnh lúc suy, nhân quần lúc tan lúc hợp, đôi bờ kia là sinh ra hay chia cách, thì dòng sông vẫn chảy qua tất cả để hòa vào biển cả mênh mông.
Dòng sông ấu thơ của tôi nhỏ nhắn, hiền hòa, ôm trọn một vòng ngọn núi Mái Nhà rồi nhẹ nhàng đổ xuống thung lũng, bên này người ở, bên kia là núi rừng. Chạy dọc theo dòng sông là những soi dưa tươi tốt. Hồi thơ bé khi đọc Dế Mèn phiêu lưu ký, tôi đã tưởng tượng những trận chiến đấu oai hùng của dế than, dế lửa trên soi đất này dưới những mùa trăng sáng. Cũng có khi cao hứng, ở nơi đây chúng tôi chia nhau ra thành hai phe đánh trận giả trong những đêm tối trời, mà kết quả của chiến trận ác liệt là những gương mặt lấm lem và tiếng cười giòn giã.
Khi những cơn mưa dầm dề đã dứt, trong gió đông mang theo cái lạnh se buốt, tôi hay theo mẹ vào rừng kiếm củi, hái nấm để chuẩn bị cho một mùa xuân ấm áp. Mẹ nói nấm mối sợ dao sắt, nên phải dùng que tre để hái, nếu không những mùa sau nấm sẽ trốn vào rừng sâu, chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nấm được nữa. Trước khi lội qua sông, mẹ hay dặn nước đục sông sâu, nước trong sông cạn, con dò từng bước, không dẫm lên đá có rêu, không tắm ở nơi nước đọng, đi rừng thấy lấp lánh là nước, tối đen là đá, quả chim ăn dẫu xấu xí nhưng không có độc, cây nấm màu sắc sặc sỡ là thứ nguy hiểm… Sau này mỗi khi gặp phải những điều bất an, tôi lại nhớ đến lời mẹ dặn, như ngày xưa mỗi lần đứng trước dòng sông ấu thơ.
Điều thú vị nhất của dòng sông dành cho bọn trẻ con chúng tôi chính là những buổi tắm sông. Nhìn những bụi tre nối nhau thành hàng thành lũy bên bờ sông, người lớn thường nghĩ về những điều sâu xa, còn bọn trẻ con thì dâng lên niềm vui thích. Bởi dòng sông vô tình đã mài những gốc tre gân guốc trở nên nhẵn nhụi, đám rễ tre tua tủa như bộ râu của ông tiên thả lững lờ theo dòng nước. Ngâm mình dưới nước, tựa lưng vào bộ rễ tre già cỗi, tôi nhìn ra quãng sông êm đềm, cảm thấy như được nương tựa vào cội nguồn quê hương mát lành.
Những buổi sáng tinh mơ của mùa xuân, đàn bươm bướm bay qua sông cùng với bạt ngàn hoa dại lấp lánh như ánh mắt trẻ thơ trong sương mai. Mùi hương hoa dại như một thứ sâm đắng, nhẫn nại rót vào lòng người nỗi thăm thẳm cố hương. Ngàn đời nay, con người sống nương tựa vào thiên nhiên như là lẽ vô thường của trời đất. Dòng sông ấu thơ đã chảy qua đời tôi như một dải lụa dịu dàng, một khúc xuân xanh tươi mát. Nhớ về dòng sông ấu thơ, tôi như trở về nơi an trú của tâm hồn vời vợi bóng quê.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325395/dong-song-tho-au.html