Làng Nhật Tân, thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội trước nay vốn nổi tiếng với nghề trồng đào. Với diện tích trồng đào lên tới 57ha, trong làng hiện có khoảng 700 hộ dân sinh sống với hơn 1.200 xã viên gắn bó với nghề trồng đào.
Cứ đến độ cuối tháng 10, đầu tháng 11 Âm lịch hàng năm là người dân nơi đây lại tất bật vào vụ tuốt lá, chuẩn bị cho công đoạn nuôi mắt, cho đào ra nụ để có thể nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo người dân làng Nhật Tân, công đoạn tuốt lá đào được xem là khâu quan trọng nhất, cần phải tính toán kỹ lưỡng của người dân trồng đào.
Bởi việc tuốt lá đào luôn phải được thực hiện đúng thời gian để đào có thể nở đẹp và đều đúng dịp Tết thì sẽ bán được giá cao.
Một chủ vườn đào làng Nhật Tân cho biết, việc tuốt lá được coi là một trong những bước quan trọng nhất, quyết định vụ mùa có thuận lợi hay không. Bởi việc tuốt lá ảnh hưởng tới việc đào có ra nụ để phục vụ đúng dịp Tết Nguyên đán.
Người này cũng nói thêm, năm nay sẽ tuốt lá trước cho cây đào thế, đào cành sẽ được tuốt sau. Do số lượng nhiều, nên phải thuê thêm nhân công làm kịp lúc đào ra hoa đón Tết. Giá thuê khoảng 350.000 đến 400.000 đồng/ngày/người.
Nhìn có vẻ rất rễ, nhưng việc tuốt lá đào rất công phu vì người tuốt lá đào cần phải bảo vệ mắt hoa ở cuối nách lá. Phải vặt từng lá không được một tay tuốt lá thẳng từ đọt xuống như vậy tổn thương đến mầm hoa.
Những cành đào sau khi được tuốt lá.
Nhân công làm việc tại các vườn đào Nhật Tân đang thực hiện việc tuốt lá cho những cành đào để kịp ra nụ phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Lá những cành đào sau khi được tuốt sẽ đươc thu gom lại làm nguyên liệu đốt, hoặc sử dụng làm phân bói hữu cơ cho cây.
Hiện nay, ở Nhật Tân có 3 loại chính là đào thế, đào cổ và đào cành. Đào thế có gốc là gốc cây đào bích nguyên thủy, không lai tạo, nguyên gốc từ xưa đến giờ. Thương hiệu đào Nhật Tân gắn với loại đào bích, hoa thường có màu hồng thắm, bông to, dày cánh, nở rộ. Loại đào này được các nhà trồng nhiều nhất do dễ tiêu thụ.
Đình Trung