Đào, phở và piano - Một câu chuyện về tình yêu đẹp!
Đào, phở và piano chính thức có mặt tại Tân An, tỉnh Long An từ ngày 04/3/2024. Bộ phim được xem là 'hữu xạ tự nhiên hương' khi có thể kéo người xem đến rạp mà không cần bất kỳ chiến dịch quảng bá nào. Một bức tranh bi tráng, một câu chuyện tình yêu đẹp đáng được xem để thêm yêu và hiểu!
Bối cảnh chính của phim là cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Hà Nội trong 60 ngày đêm từ năm 1946-1947. Giữa những đổ nát hoang tàn của một thủ đô bị ngoại xâm giày xéo vút lên hình ảnh đẹp của những tình yêu đẹp.
Ở đó, trong đoàn người nán lại thủ đô giữa những ngày lửa đạn là các cảm tử quân cùng lời thề “quyết tử”; là các cô gái “chân yếu tay mềm” vì thương binh, tử sĩ mà ở lại; là những nghệ sĩ sẵn sàng dùng máu mình nhuộm đỏ lá cờ, nhuộm màu cho bức tranh tuyệt tác của cuộc đời mình;...
Cũng trong hàng ngũ ấy là những người dân thường đắn đo, dằn vặt giữa đi và ở, giữa sự sống, cái chết của bản thân và bát phở đậm tình người Hà Nội; những trung lưu vốn sống trong nhung lụa, hoàn toàn có thể yên phận nếu cứ đứng bên kia chiến tuyến mà không mảy may nghĩ về vận nước. Tất cả tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh, một khối đoàn kết “giúp đỡ lẫn nhau” không thể nào chia cắt.
Giữa khói lửa chiến tranh, Đào, phở và piano sáng lên một tình yêu rất đẹp. Chưa vội nói đến tình yêu của 2 nhân vật chính, tình yêu bao trùm cả phim là những điều giản dị đến ngạt thở, ẩn chứa trong ấy khát khao được sống hòa bình, yên ấm của tất cả mọi người.
Cậu bé đánh giày mơ về bát phở Hà thành. Hương vị ngọt ngào, mùi thơm lan tỏa của món ăn hết sức Việt Nam, hết sức Hà Nội ấy nhẹ nhàng, bình dị như cách mỗi chúng ta yêu cơm mẹ nấu, yêu “canh rau muống”, yêu “cà dầm tương”. Đâu chỉ vậy, giữa trùng trùng lửa đạn, những cảm tử quân không chỉ trao nhau trái lựu đạn cuối cùng, họ còn trao nhau cành đào Hà Nội, còn nâng niu từng tiếng đàn piano giữa ầm ào đạn pháo quân thù. Thì ra, người Hà Nội, người Việt Nam luôn giản dị và thanh tao như vậy!
Với Đào, phở và piano, người xem không được thấy những cảnh chiến đấu oai hùng, xung phong mãnh liệt nhưng khí chất anh hùng, bi tráng vẫn toát lên trong từng hành động, từng quyết định của mỗi người.
Bởi lo “Thằng bé đi đánh giày khuya như vậy chắc là đói lắm” mà vợ chồng người hàng phở ở lại với thủ đô và bởi lo những người nằm xuống không ai hương khói mà người họa sĩ ở lại với thủ đô!
Mỗi nhân vật được xây dựng đều có gia đình, cuộc sống riêng và âu lo riêng nhưng khi bước vào cuộc chiến, họ chỉ nhìn về một hướng, kết thành một khối, đến nỗi “cái chết cũng không thể chia lìa” được họ.
Đào, phở và piano không kịch tính, không có âm thanh, ánh sáng hay hiệu ứng choáng ngợp. Bộ phim có tiết tấu vừa phải, đủ để người xem chầm chậm hiểu những gì đang xảy ra nơi “trái tim Tổ quốc” những ngày tháng ấy.
Một giai đoạn lịch sử không phải ai cũng nhớ và hiểu một cách rõ ràng qua bộ phim có thời lượng hơn 1 tiếng, bỗng trở nên gần gũi và chân thật.
Mỗi ngày của hiện tại, có thể mỗi người đối diện với những khó khăn riêng nhưng đừng vì điều đó mà quên đi những ngày tháng oai hùng của toàn dân tộc. Một bộ phim hầu như không nước mắt nhưng khó quên!./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dao-pho-va-piano-mot-cau-chuyen-ve-tinh-yeu-dep--a172427.html