Mang 100 cành đào xuống TP Thanh Hóa để bán từ ngày 16 âm lịch, tuy nhiên, đã 5 ngày trôi qua, anh Nguyễn Chấn Chỉnh mới bán được 20 cành. "Đào năm nay đi chậm, kén người mua. Có lẽ, do người dân nắm được tình hình kinh tế suy thoái nên cũng siết chặt hầu bao. Nếu như mọi năm, bằng tầm này, tôi đã bán được khoảng một nửa số đào. Hy vọng rằng, những ngày tới, tình hình sẽ khá hơn", anh Chỉnh nói.
Theo anh Chỉnh cho biết, đào anh nhập về là đào Sapa với giá là 100 triệu đồng. Tính thêm cước xe, tiền bãi để bán thì tổng chi phí đã lên tới 150 triệu đồng. "Tết năm nay khả năng thu hồi vốn là đã thấy gian nan chứ chưa mong là có lời. Ở vị trí bán đào này, tôi không dám thuê thêm người trông vì không có tiền để tra. Cả ngày lẫn đêm, 2 vợ chồng cứ thay phiên canh gác để bảo vệ số đào này", anh Chỉnh tâm sự
Chỗ ngủ của anh Chỉnh là một cái chòi được dựng tạm bên lề đường, phía trong là chỗ ngả lưng của 2 vợ chồng sau mỗi ngày buôn bán mệt nhọc.
Trên tuyến đường Trịnh Kiểm (phường Đông Vệ), hai vợ chồng anh Trần Lực (36 tuổi, trú huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đang nằm co ro trong chiếc chăn mỏng. Anh Lực cho biết, năm nay, gia đình mang 300 gốc đào ra TP Thanh Hóa bán, đến nay, mới chỉ bán được khoảng 30 cây.
Theo anh Lực, đào anh bán là giống đào phai kép trồng tại địa phương. Tổng chi phí nhập đào của anh là 150 triệu. "Đào mình bàn giá chỉ từ 300 - 500.000đ/cành nhưng người mua vẫn rất ít. Năm nay lần đầu ra đây bán, thấy thị trường khá ảm đạm nhưng do nhập nhiều nên vẫn phải cố. Theo dự định của hai vợ chồng, nếu đào bán chậm thì có lẽ phải ráng trụ đến ngày 29 âm lịch để cố đi được cây nào hay cây đấy", anh Lực chia sẻ.
Dọc tuyến phố Nguyễn Duy Hiệu, Bùi Khắc Nhất,... (phường Đông Hương), không khó để bắt gặp những túp lều xập xệ. Bên trong nhưng nơi này, tiểu thương luôn hướng đôi mắt ra đường phố, ngóng chờ những vị khách mua đào, quất... xuất hiện trong tiết trời lạnh giá.
Một tiểu thương ngủ thiếp đi sau khi thay ca trực trông đào Tết cho chồng.
Trong tiết trời giá rét, những cành củi, gốc cây khô được thu gom về đê các tiểu thương đốt, sưởi ấm.
Anh Hoàng Văn Tú (trú phường Quảng Hưng) năm nay nhập hơn 100 cành quất để mang đi bán tại tuyến đường Trịnh Kiểm. "Mình về đây bán được 2 ngày, đã đi khoảng 10 cây đào. So với mọi năm, có vẻ năm nay hơi chậm, nhưng mình vẫn tin là số hàng này sẽ 'bay' sạch trước ngày 30 Tết", anh Tú nhận định.
Ông Lê Văn Thủy (trú TP Thanh Hóa), bán hoa Tết có thâm niên nhiều năm nhận định: Năm nay, lượng hoa bán ra chậm hơn rất nhiều sơ với mọi năm. "Nếu như năm trước, tuy dính phải dịch Covid-19 nhưng hoa vẫn bán khá chạy. Năm nay, hoa bán chậm, hiện mới chỉ được khoảng 20% số lượng mang ra. So với nhiều gia đình, chúng tôi cảm thấy may mắn vì số hoa này của nhà trồng được, nếu không bán hết thì mang về trồng lại. Còn những hộ khác, họ nhập lại từ vườn, nếu bán không hết không biết sẽ mang về đâu", ông Thủy chia sẻ.
Khi màn sương lạnh giá của đêm đông buông xuống, các tiểu thương vẫn cố gắng miệt mài đợi cho đến những vị khách cuối cùng trong ngày.
Anh Hoàng Đông (trú TP Thanh Hóa), một khách hàng đi xem quất cảnh cho biết: Năm nay, do tình hình kinh tế trầm lắng nên cơ quan không được thưởng Tết cao, từ đó dẫn đến việc anh phải thắt chặt chi tiêu trong dịp cận Tết. "Năm nay sức mua kém hơn hẳn so với mọi năm, từ cây cảnh cho tới hàng hóa. Tính đến lúc này (ngày 21 Tết), tôi đang đi khảo sát, xem giá đào, quất... để khi nào nghỉ Tết sẽ mua", anh Đông chia sẻ.
Những chuyến hàng trong đêm đông như tiếp thêm sức mạnh cho những tiểu thương phương xa để họ cố gắng bán hết hàng, về quê đón Tết sớm với gia đình.
Những cây hoa đào giá hàng chục triệu đồng vẫn đang nằm im thin thít trên vỉa hè trong suốt nhiều ngày qua. Theo dân chơi cây cảnh sành sỏi ở xứ Thanh, năm nay kinh tế suy thoái nên ngay đến những đại gia cũng hạn chế rước những 'báu vật' này về nhà.
Đình Minh