'Đảo Silicon' và nỗ lực trở lại ngành bán dẫn của Nhật Bản

Đảo Kyushu còn được biết đến với tên gọi là 'đảo Silicon' của Nhật Bản. Ở đây có tỉnh Kumamoto, nơi đặt những cơ sở là nền tảng cho sự hồi sinh ngành bán dẫn công nghệ cao của xứ Phù Tang.

Công ty TSMC sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đang hợp tác với Tập đoàn Sony và các tập đoàn khác để xây dựng một nhà máy ở Kumamoto. Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ gần 3,5 tỷ USD để trang trải một nửa kinh phí xây dựng. Có thể thấy, đầu tư vào ngành bán dẫn tại Nhật Bản đang tăng lên. Mitsubishi Electric cũng đang xây dựng một nhà máy bán dẫn lớn ở Kumamoto, dự kiến bắt đầu sản xuất vào tháng 4-2026. Công ty cũng có kế hoạch mở rộng một nhà máy khác, với tổng vốn đầu tư khoảng 710 triệu USD. Một công ty Nhật Bản khác là Tokyo Electron đang xây dựng một tòa nhà mới để chế tạo thiết bị sản xuất chip với kinh phí khoảng 214 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào mùa thu năm sau. Kyushu rất giàu tài nguyên nước, vốn rất cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn. Nhiều dự án đầu tư đáng kể đang được triển khai không chỉ ở Kumamoto mà còn ở các tỉnh Fukuoka, Saga và Nagasaki.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đã trải qua thử thách từ sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại Hiroshima (Nhật Bản) tháng 5 vừa qua đã nhấn mạnh đến việc tăng cường chuỗi cung ứng linh hoạt thông qua quan hệ đối tác trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các hàng hóa quan trọng như khoáng chất, chất bán dẫn và pin. Liên doanh Rapidus - gồm 8 công ty của Nhật Bản, trong đó có một số công ty nổi tiếng như Toyota Motor, SoftBank và NEC - được ra đời với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản (khoảng 2,3 tỷ USD). Rapidus có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Hokkaido với dây chuyền sản phẩm mẫu bắt đầu hoạt động vào tháng 4-2025. Liên doanh này đặt mục tiêu vào năm 2027 sẽ sản xuất hàng loạt chất bán dẫn 2 nanomet tiên tiến, loại chip không thể thiếu cho các lĩnh vực thế hệ tiếp theo như trí tuệ nhân tạo và xe tự hành. Hiện loại chip này vẫn chưa được sử dụng trong thực tế ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Cuộc chạy đua xây dựng nhà máy bán dẫn trên khắp Nhật Bản đòi hỏi nhiều lao động lành nghề hơn. Một chuyên gia tại Công ty Dịch vụ việc làm Recruit cho biết, số lượng việc làm cho kỹ sư bán dẫn đã tăng gấp 13 lần trong vòng một thập niên. Công ty Ask Index có trụ sở tại Tokyo đã thành lập một trung tâm đào tạo ở tỉnh Kumamoto. Trung tâm này dự kiến sẽ điều chỉnh số lượng sinh viên mục tiêu, từ 100 lên 1.000 người/năm. Dù có nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo lực lượng lao động sẵn sàng, hiệp hội ngành dự đoán, trong một thập niên tới, mỗi năm ngành sẽ thiếu hụt khoảng 1.000 nhân lực.

Vào những năm 1980, Nhật Bản từng thống trị ngành công nghiệp bán dẫn với khoảng một nửa thị phần thế giới. Tuy nhiên, trong những năm 1990, Nhật Bản đã mất vị trí này vào tay Hàn Quốc và Đài Loan.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dao-silicon-va-no-luc-tro-lai-nganh-ban-dan-cua-nhat-ban-post695720.html