Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên mới
Sáng 19/5, tại Hải Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức hội thảo khoa học 'Công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị cấp tỉnh trong bối cảnh mới'.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN
Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, coi đây là nhiệm vụ cốt lõi để nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, tư duy, tầm nhìn, năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ. Bước vào kỷ nguyên phát triển mới, đất nước đứng trước yêu cầu cấp thiết phải xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực nổi trội, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở không chỉ là yêu cầu thường xuyên, lâu dài mà còn là nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh đất nước đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị cùng các nghị quyết quan trọng khác.
Hội thảo là dịp để đánh giá toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các trường chính trị thời gian qua. Những nội dung tại hội thảo là cơ sở để Ban tổ chức tổng hợp, báo cáo kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới.
Tham dự hội thảo, các đại biểu tập trung vào các nhóm nội dung lớn như: Đánh giá nghiêm túc, toàn diện việc quán triệt, thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; phân tích làm rõ bối cảnh, nhân tố tác động và những yêu cầu mới đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị cấp tỉnh trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh tinh gọn bộ máy, hiện đại hóa nền hành chính và chuyển sang mô hình chính quyền số, kinh tế số, xã hội số...
Ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng chia sẻ về những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Theo đó, Hải Phòng là địa phương duy nhất cả nước 10 năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng trên 10%. Năm 2024, thành phố là địa phương dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cùng các thành tựu nổi bật khác về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Để đạt kết quả này, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là yếu tố rất quan trọng. Trong bối cảnh mới, những cơ hội và thách thức của tình hình quốc tế tiếp tục đặt ra yêu cầu cần phát triển nhân lực hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu quản lý và xây dựng Hải Phòng thành thành phố thông minh, mẫu mực, đáng sống như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Một số tham luận được các đại biểu trình bày với các nội dung nổi bật như: "Đổi mới tư duy và hành động trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong kỷ nguyên mới"; "Những thuận lợi, khó khăn trong triển khai Quy định số 57- QĐ/TW, ngày 8/2/2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị - từ thực tiễn tỉnh Lào Cai"; cùng các nội dung về chuẩn hóa toàn diện trình độ chuyên môn, phẩm chất chính, kỹ năng sư phạm hiện đại đối với đội ngũ giảng viên; tạo cơ chế thu hút nhân tài, chuyên gia tham gia giảng dạy tại các trường chính trị cấp tỉnh; đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế...