Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số

Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở cơ sở chính là những người phát hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh tại địa bàn thôn, buôn. Đồng thời, họ kịp thời nắm bắt tâm tư, ghi nhận những khó khăn của đồng bào để đề xuất các ngành, các cấp giải quyết.

Để nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, cần phải nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng, phải đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng. Phương hướng chung là xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phải gắn với đường lối chính trị, trước hết là quán triệt chính sách dân tộc của Đảng. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính là tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số vượt lên thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa giữa các tộc người; xuất phát từ yêu cầu phát triển, khai thác tài nguyên, thế mạnh của vùng, tạo điều kiện cho vùng dân tộc thiểu số hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

Trong quá trình khảo sát thực tế ở nhiều địa phương tại Tây Nguyên, chúng tôi nhận thấy, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số chưa thật sự gắn kết với công tác quy hoạch và yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn. Việc quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng dài hạn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý chưa được quan tâm đúng mức, chưa chủ động về nguồn cán bộ, chưa bố trí hợp lý về cơ cấu.

Chương trình, nội dung của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều bất cập, nặng về lý luận chung, thiếu những nội dung quản trị, kỹ trị hành chính, phương pháp phát triển tư duy, kỹ năng quản lý xã hội và xử lý rủi ro. Đặc biệt, phần lớn chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện nay được áp dụng đại trà cho tất cả các vùng, thiếu nhiều nội dung cụ thể về kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa địa phương và tộc người.

Một số ý kiến còn cho rằng, trong việc xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số, cần chú ý nguyên tắc là tạo cơ hội để họ tự phát triển chứ không phải là triệt tiêu năng lực tự chủ, tự vươn lên của đối tượng. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ phải theo nhu cầu công việc và vị trí việc làm. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số các cấp có những nhiệm vụ khác nhau, đòi hỏi vốn kiến thức, kỹ năng khác nhau cho nên cần xây dựng khung chương trình phù hợp.

Việc đào tạo, bồi dưỡng là nhằm bảo đảm cho đội ngũ cán bộ thực thi công việc có hiệu quả và tạo nguồn cho chính quyền các cấp. Chính vì vậy, quy hoạch và đào tạo phải gắn liền với nhau. Nếu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhưng không sử dụng đúng ngành nghề đào tạo thì vừa không phát huy năng lực, vừa lãng phí nguồn lực đầu tư... ■

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dao-tao-boi-duong-can-bo-nguoi-dan-toc-thieu-so-227328.html