Đào tạo công dân số - Hành động để thay đổi nhận thức
Kể từ ngày 1.11, bộ phận Một cửa tại các xã, phường triển khai không tiếp nhận trực tiếp đối với những thủ tục hành chính trực tuyến, hướng tới không dùng tiền mặt, không dùng hồ sơ giấy, không cần đến cơ quan hành chính theo chỉ đạo của UBND thành phố Tây Ninh- địa phương được tỉnh thí điểm mô hình tổ công nghệ số cộng đồng.
Ninh Sơn là phường được UBND Thành phố chọn làm thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng theo chương trình chuyển đổi số quốc gia từ ngày 20.8. Ông Lữ Thanh Tùng- Bí thư Đảng ủy phường Ninh Sơn cho biết: “Đây là một trong những bước chuẩn bị rất quan trọng cho việc chuyển đổi số, từng bước thay đổi nhận thức, hành động của cộng đồng khi ứng dựng công nghệ số vào đời sống xã hội”.
Theo ông Tùng, lực lượng của 5 Tổ công nghệ số cộng đồng tương ứng với 5 ngày làm việc, có nhiệm vụ trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân tiếp cận công nghệ, từ việc tạo tài khoản dịch vụ công quốc gia (DVCQG) cho đến sử dụng các dịch vụ số thiết yếu gắn với đời sống dân sinh trên môi trường mạng, như: thanh toán trực tuyến, nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến, cài đặt, sử dụng các ứng dụng số lĩnh vực y tế, giáo dục, chính sách xã hội, xác định mã định danh cá nhân...
Ông Tùng cho biết thêm, thành phố Tây Ninh là địa phương được tỉnh thí điểm mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng. Tại phường Ninh Sơn, trung bình mỗi ngày có 30-50 người dân đến thực hiện tạo tài khoản DVCQG mức độ 1, mức độ 2, nộp hồ sơ trực tuyến... Để đẩy mạnh, UBND Thành phố đã chỉ đạo lãnh đạo ấp, khu phố, bí thư Đoàn Thanh niên, chi hội nông dân, phụ nữ, công an viên, cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, nhân viên tham gia tổ công nghệ số cộng đồng, vì đây là những người có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, có khả năng tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số.
Việc nộp hồ sơ trực tuyến đối với nhiều người dân vẫn còn mới mẻ, tuy nhiên sau khi được tuyên truyền, được cán bộ, công chức hướng dẫn tận tình, nhiều công dân cảm thấy rất hào hứng với cách thức mới. Anh Bùi Minh Đức, người dân tạm trú tại phường Ninh Sơn chia sẻ: “Khi được hướng dẫn tạo tài khoản trên cổng DVCQG và nộp hồ sơ trực tuyến, tôi thấy việc nộp hồ sơ trực tuyến mang lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, có thể làm tại nhà mà không phải trực tiếp lên phường”.
Bà Cao Thị Yến Trinh đưa con gái đến UBND phường thực hiện đăng ký dịch vụ công, nhưng sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn, bà cũng thao tác trên điện thoại thông tin một tài khoản định danh cho mình, “Đăng ký trước hay sau thì cũng là đăng ký, nhưng nếu đã có một tài khoản định danh trên Cổng dịch vụ công quốc gia thì tiện hơn, sau này không phải đi làm mà chỉ đăng ký tại nhà thực hiện nộp qua mạng thôi”.
Không chỉ người dân, lực lượng CBCC cũng hào hứng với chương trình chuyển đổi số. Theo chị Võ Thị Mộng Thu- công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Ninh Sơn, việc đẩy mạnh hướng dẫn, giúp đỡ người dân tạo tài khoản DVCQG và nộp hồ sơ trực tuyến khiến công việc của công chức vất vả hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của Tổ công nghệ số cộng đồng, công chức ở bộ phận một cửa được san sẻ rất nhiều, cán bộ công chức trực bộ phận Một cửa có thời gian làm công việc chuyên môn và hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Chị cho biết thêm, với lượt công dân đến làm các thủ tục hành chính trung bình mỗi ngày trên 50 lượt, không nhờ công nghệ số, nộp hồ sơ qua mạng, công việc của CBCC phường sẽ quá tải.
Tổ công nghệ số cộng đồng được lấy cảm hứng từ tổ Covid cộng đồng. Tuy nhiên, theo ông Lữ Thanh Tùng- Bí thư Đảng ủy phường Ninh Sơn, không phải người dân cũng nào cũng có thể sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng công nghệ số một cách thành thạo. Ông giải thích, khó khăn nhất hiện nay là nhận thức của người dân về chuyển đổi số còn hạn chế. Nhiều người sử dụng sim điện thoại không chính chủ, không đăng ký được tài khoản DVCQG, do đó phải hướng dẫn người dân liên hệ nhà mạng để đăng ký sim chính chủ. Ngoài ra, một bộ phận người dân là người già, người không sử dụng điện thoại thông minh, không quen sử dụng công nghệ… Đối với những trường hợp này, cán bộ công chức của phường hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản DVCQG qua hệ thống máy tính của phường. Khi người dân hiểu, ứng dụng công nghệ số trở thành thói quen thì thực sự công nghệ sẽ giúp ích rất nhiều, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, không nhất thiết phải đến cơ quan nhà nước để nộp hồ sơ.
Thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, Tây Ninh có 70.l,65% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 100% hộ gia đình có người có điện thoại thông minh; 80,21% hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang; phủ sóng di động tới 100% ấp/khu phố. Hiện toàn tỉnh thành lập được 493 tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó 481 tổ cấp ấp/khu phố và 12 tổ cấp xã/phường/thị trấn, riêng thành phố Tây Ninh, 10/10 phường, xã đều đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng. Từ thực tiễn triển khai các Tổ công nghệ số cộng đồng, có thể khẳng định đây là cơ sở quan trọng làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi số trong cộng đồng đang ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện đã có 40.000 Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập, 200.000 thành viên các tổ công nghệ này được đào tạo kỹ năng số, nòng cốt là thanh niên, đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng các nền tảng số. Với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, các ngành, các cấp, cách tiếp cận toàn dân về chuyển đổi số sẽ là nhân tố quyết định thành công của Tây Ninh nói riêng, của Việt Nam nói chung.