Đào tạo đại học gắn với nghiên cứu khoa học

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ trên nhiều phương diện của đời sống - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo… Trong lĩnh vực đào tạo, việc gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu của thực tiễn (điển hình là nhu cầu của doanh nghiệp) có vai trò hết sức quan trọng và quyết định đến sự phát triển ổn định của các trường đại học.

Các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học (ĐHTN) theo dõi quy trình xét nghiệm để thực hiện đề tài “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện nhanh SARS-CovV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR”

Các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học (ĐHTN) theo dõi quy trình xét nghiệm để thực hiện đề tài “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện nhanh SARS-CovV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR”

Trong xu thế hội nhập và phát triển, các trường đại học cần phải linh hoạt trong việc thay đổi chương trình, mục tiêu đào tạo sao cho phù hợp với sự biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội. Để tồn tại và phát triển trong xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt, các trường không chỉ có sứ mệnh đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu hiện tại, mà còn phải có chiến lược đào tạo đón đầu theo xu thế phát triển. Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) trong những năm gần đây đã có những chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và số lượng theo hướng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ; xây dựng và phổ biến chương trình đào tạo, học tập suốt đời, phát triển doanh nghiệp và quản trị.

Chỉ trong 5 năm trở lại đây (2015-2020), ĐHTN đã thực hiện 56 chương trình khoa học công nghệ (KHCN), đề tài cấp Nhà nước, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ Giáo dục - Đào tạo, đạt 186% so với chỉ tiêu; 408 đề tài cấp đại học, cấp bộ, đạt 102% so với chỉ tiêu; có 8.695 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị, hội thảo, trong đó có 7.170 bài được đăng trên các tạp chí trong nước, đạt 204%; 1.525 bài đăng trên các tạp chí quốc tế, đạt 169%; có 775 bài được đăng trên các tạp chí trong danh mục ISI, Scopus, đạt 193%; có 22 sản phẩm khoa học công nghệ được công nhận sở hữu trí tuệ, đạt 110%; thành lập 02 trung tâm ươm tạo công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp, đạt 100%.

Hoạt động kết nối cung cầu với doanh nghiệp tại Trường Đại học Nông Lâm để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội thường xuyên được các trường thành viên ĐHTN tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Hoạt động kết nối cung cầu với doanh nghiệp tại Trường Đại học Nông Lâm để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội thường xuyên được các trường thành viên ĐHTN tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Với những thành kết quả đó, ĐHTN xếp thứ 9/35 trường được xếp hạng về chỉ số nghiên cứu. Về chỉ số nghiên cứu nội lực, ĐHTN xếp hạng 3/35 cơ sở giáo dục đại học. Chính vì vậy, từ năm 2017, ĐHTN đã được UBDN tỉnh Thái Nguyên tin tưởng “đặt hàng” hợp tác nghiên cứu và chuyển giao KHCN với trị giá gần 100 tỷ đồng trên 7 lĩnh vực. Kết quả điển hình như Hoàn thành và bàn giao Đề tài “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện nhanh SARS-CovV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR”. Chất lượng các sản phẩm KHCN được nâng lên và tạo uy tín trong nước và quốc tế.

Từ năm 2016 đến nay, ĐHTN đã huy động được 3,44 triệu USD từ nguồn hợp tác quốc tế cho hoạt động KHCN; 89 tỷ đồng thuộc chương trình hợp tác với UBND tỉnh Thái Nguyên; thu được hơn 200 tỷ đồng từ các chương trình, dự án chuyển giao khoa học công nghệ; 760 triệu đồng từ các chương trình KHCN khác. Đến năm 2020, ĐHTN đã ký biên bản hợp tác toàn diện về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với 15tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Đặc biệt, thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, ĐHTN đã nhận được sự hợp tác của chàng chục trường đại học danh tiếng trên thế giới và tiếp đón trên 3.000 lượt khách quốc tế, chuyên gia trực tiếp đến nghiên cứu khoa học và hợp tác đào tạo. Tháng 11 năm 2020, Trường Đại học Y Dược vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị “Hợp tác trong đổi mới đào tạo y khoa” đã nhận được sự cộng tác của các nhà khoa học đầu ngành của Đại học Y Harvard (Mỹ), Đại học Maastricht (Hà Lan), Đại học Stanford... Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp tổ chức Hội thảo quốc tế về nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật cũng đã nhận được trên 50 bài tham luận của các trường đại học kỹ thuật đến từ nhiều quốc gia. Đây chính là sức hút từ chất lượng nghiên cứu khoa học và hoạt động đào tạo của ĐHTN đã tạo nền tảng cơ bản.

Động lực để tạo nên những chuyển biến về chất lượng đào tạo và KHCN đó chính là sự thay đổi chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội. Một trong những yêu cầu mang tính tự thân đó là liên kết giữa trường đại học và doanh. Đối với các doanh nghiệp, việc hợp tác giúp doanh nghiệp có thể tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều sinh viên, có điều kiện để theo dõi, đánh giá tác phong làm việc cũng như kiến thức và năng lực của sinh viên một cách chính xác nhất. Qua đó, doanh nghiệp có hướng tuyển dụng, lựa chọn nhân sự phù hợp và góp phần quảng bá hình ảnh của mình. Ngoài ra, việc liên kết với nhà trường còn giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những kết quả nghiên cứu mới nhất, cập nhật nhất và có thể ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Đối với nhà trường, việc hợp tác với doanh nghiệp giúp mang lại lợi ích quan trọng đầu tiên là nguồn tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và công việc cho sinh viên. Sinh viên của nhà trường được trải nghiệm các kiến thức chuyên môn và thực tế. Quan hệ hợp tác giữa các trường Đại học và doanh nghiệp là quan hệ biện chứng, vì lợi ích của cả hai phía. Từ mối liên kết này, các cơ sở giáo dục sẽ có thêm điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, cho ra lò những “sản phẩm” đã được “trải nghiệm” thực tiễn; còn các kết quả nghiên cứu khoa học sẽ có địa chỉ áp dụng rõ ràng nhằm đẩy mạnh ứng dụng vào thực tiễn tạo nên hiệu quả nghiên cứu và hiệu quả triển khai nghiên cứu. Hiên nay, nhiều ngành nghề đào tạo của ĐHTN đã đưa vào phân phối chương trình từ 20-30% đào tạo người học tại doanh nghiệp và nhận đào tạo đặt hàng theo nhu cầu của các địa phương, các nhà tuyển dụng trong nước, quốc tế từ bậc cao đẳng, đến đại học và cao hơn nữa là các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Có được kết quả đó, chính là sự nhạy bén thay đổi tư duy từ quan niệm học giỏi, thi giỏi chuyển sang đồng thời phải làm giỏi. Kết quả đạt được những năm vừa qua dù chưa có những đánh giá toàn diện, đa chiều về giá trị thương mại từ KHCN, nhưng tiềm năng và mục tiêu về đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của ĐHTN đã và đang tiếp tục được "đánh thức".

Trinh An

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-duc/dao-tao-dai-hoc-gan-voi-nghien-cuu-khoa-hoc-280111-100.html