Đào tạo đúng hướng, tăng cơ hội việc làm

Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, hiệu quả, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, giúp người lao động tăng cơ hội có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng cho năng suất, thu nhập cao hơn; cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đồng chí Trần Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm qua, công tác đào tạo nghề được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và coi đây là nhiệm vụ cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.
Trọng tâm là thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách quy định liên quan đến hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, tạo việc làm trong và ngoài nước, hỗ trợ vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm, hỗ trợ tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ sản xuất và các chính sách hỗ trợ thông qua việc triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật. Việc triển khai đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy trình và đạt hiệu quả. Qua đó, giúp người lao động nâng cao trình độ, chuyên môn kỹ thuật. Từ năm 2021 - 2023, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 25.791 người (đạt 107,4% kế hoạch tỉnh giao). Trong đó, đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 23.922 người; đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp 1.869 người; nghề nông nghiệp 16.370 người; nghề phi nông nghiệp 6.642 người. 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 3.036 lao động.

Người dân huyện Phong Thổ học kỹ thuật chăm sóc cây chanh leo.

Người dân huyện Phong Thổ học kỹ thuật chăm sóc cây chanh leo.

Sau đào tạo có trên 80% số người được đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng cho năng suất, thu nhập cao hơn. Điều này góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng từ 50,7% (năm 2020) lên 58,3% (năm 2023) và ước đạt 60,6% vào cuối năm 2024. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tỉnh chuyển dịch theo đúng hướng: nghề nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 5,89%; nghề công nghiệp - xây dựng tăng 1,43% và nghề dịch vụ tăng 4,46%.
Không dừng lại ở đó, công tác giải quyết việc làm cho người lao động hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Từ năm 2021 đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm trong nước cho 34.553 lao động; tổ chức đưa 1.001 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả này góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của người dân và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Huyện Phong Thổ là một trong những địa phương tiêu biểu của tỉnh trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Qua thống kê, từ năm 2021 đến nay, huyện đào tạo nghề cho 3.666 lao động, chủ yếu là đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Về giải quyết việc làm, huyện giải quyết việc làm cho 4.971 lao động, đạt 115,6% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động 503 người, đạt 318,4% kế hoạch giao và chiếm 47,4 % tổng số lao động tham gia xuất khẩu lao động của tỉnh.
Em Phàn Thị Chéng 19 tuổi, dân tộc Dao ở bản Má Tiển (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ) bộc bạch: Học xong lớp 9 em không có điều kiện học tiếp nên đi làm công nhân ở các khu công nghiệp dưới xuôi nhưng thấy không phù hợp nên đã trở về nhà giúp bố mẹ công việc gia đình. Gần đây biết đến lớp học nghề của dự án GEM nhằm nâng cao vị thế cho phụ nữ, trẻ em gái dân tộc thiểu số, em đăng ký học làm chè tại 1 cửa hàng ở thành phố Lai Châu. Sau 1 tháng học tập, em có thể làm được các loại chè, trà sữa, mì cay và đồ ăn vặt. Dự kiến sắp tới em sẽ mở quán bán chè, đồ ăn vặt, hy vọng công việc này mang lại nguồn thu nhập ổn định cho em.
Những kết quả tích cực đạt được là minh chứng thể hiện rõ nét bước phát triển trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm của tỉnh. Vấn đề đặt ra hiện nay là việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề từ nông nghiệp sang nghề phi nông nghiệp còn chậm. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lĩnh vực việc làm của một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ lao động có việc làm sau tư vấn, giới thiệu việc làm có tăng nhưng vẫn còn lao động sau đào tạo chưa có việc làm.
Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động bằng nhiều hình thức; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp; chú trọng đào tạo người học phát triển toàn diện cả về kỹ năng nghề, phẩm chất và năng lực; duy trì, phát triển mối quan hệ gắn kết 3 bên giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp để tạo việc làm bền vững. Phấn đấu làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân cũng như đáp ứng kịp thời yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thanh Hoa

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/%C4%91%C3%A0o-t%E1%BA%A1o-%C4%91%C3%BAng-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-t%C4%83ng-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-vi%E1%BB%87c-l%C3%A0m