Đào tạo khoa học cơ bản gắn với yêu cầu thực tiễn

Khoa học cơ bản (KHCB) với các hoạt động đặc thù, như: Nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn khoa học, hoạch định đường lối, chính sách... là nền tảng và tương lai của nền khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, đào tạo KHCB tại trường đại học đang gặp một số khó khăn về đầu vào.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu KHCB tại Trường Đại học Khoa học

Ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu KHCB tại Trường Đại học Khoa học

Rào cản

GS.TS. Đinh Quang Khiếu, Trưởng khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (ĐHH) chia sẻ, được đào tạo KHCB rất quan trọng đối với giảng viên trong cả hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Khi có nền tảng kiến thức vững chắc về toán học, lý thuyết vật lý, hóa học, sinh học thì mới có thể hiểu và giải thích các hiện tượng trong các lĩnh vực chuyên môn sâu hơn.

Và khi có nền tảng vững chắc thì sẽ phát triển tư duy phản biện độc lập - đây là tư duy rất cần thiết cho các nhà khoa học Việt Nam. Điều quan trọng nhất là khả năng kết nối kiến thức liên ngành toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y - sinh; nền tảng KHCB vững vàng thì có thể dễ dàng nắm bắt các công nghệ, phương pháp nghiên cứu mới, từ đó phát triển các hướng nghiên cứu độc lập.

Từ khi thành lập đến nay, Trường Đại học Khoa học, ĐHH tham gia đào tạo nhiều ngành KHCB ở cả khối khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn. Nhà trường vẫn chủ trương duy trì các ngành đào tạo, nhất là đào tạo KHCB trong bối cảnh số lượng tuyển sinh ngày càng giảm. Thuận lợi là trường có đội ngũ giảng viên KHCB trình độ cao, có tâm huyết, có nhiều nghiên cứu đóng góp cho các ngành KHCB; có hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm đáp ứng nhu cầu đào tạo của các ngành KHCB. Trong giai đoạn trước năm 2010, trường đã tuyển sinh và đào tạo được hàng chục ngàn sinh viên các ngành KHCB phục vụ cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Tuy nhiên, giai đoạn 2010 đến nay, việc đào tạo các ngành KHCB của Trường Đại học Khoa học, ĐHH gặp nhiều khó khăn, số lượng tuyển sinh đầu vào hàng năm giảm nhanh qua các năm, đặc biệt giai đoạn 2018 - 2024. PGS.TS Võ Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, ĐHH lý giải, sự đa dạng của ngành nghề đào tạo, nhất là các ngành liên quan đến công nghệ, tài chính, quản trị… có chương trình đào tạo sát với thực tiễn ngành nghề xã hội, dẫn đến sinh viên ít lựa chọn ngành KHCB. Tình hình nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo (R&D) ở các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp còn ít, các đơn vị sản xuất vẫn chưa đầu tư mạnh cho R&D. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt vị trí việc làm đối với nguồn nhân lực được đào tạo theo định hướng nghiên cứu nên không thu hút sinh viên tham gia học tập các ngành KHCB.

Để đáp ứng với yêu cầu mới

PGS.TS Võ Thanh Tùng trao đổi, trong bối cảnh đổi mới, sáng tạo và vươn mình của đất nước hiện nay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Qua đó, nhấn mạnh việc đầu tư và phát triển KHCB là trọng tâm, không chỉ tạo nền tảng cho sự đột phá công nghệ mà còn góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất lao động.

Do vậy, Trường Đại học Khoa học, ĐHH sẽ tập trung vào các giải pháp thúc đẩy đào tạo các ngành KHCB đáp ứng yêu cầu và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà trường sẽ cập nhật chương trình đào tạo đảm bảo tính hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sinh viên được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong kỷ nguyên mới. Các nền tảng học tập trực tuyến được sử dụng trong quá trình đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập để sinh viên tiếp cận thông tin và tài nguyên học tập dễ dàng hơn.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo KHCB, Trường Đại học Khoa học, ĐHH sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, như: tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao trình độ thông qua các chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế; có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho những giảng viên có năng lực để yên tâm gắn bó lâu dài với công việc giảng dạy và nghiên cứu. Đồng thời, tạo điều kiện về cơ chế và tài chính để giảng viên tham gia đề tài khoa học công nghệ các cấp, xây dựng môi trường làm việc thuận lợi; khuyến khích tinh thần sáng tạo và hợp tác trong nghiên cứu cả chuyên ngành lẫn liên ngành; kết hợp chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao trong nước và quốc tế đến làm việc tại trường.

Cùng với đó, Trường Đại học Khoa học, ĐHH tạo mối liên kết và hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có đầu tư R&D nhằm đa dạng hóa môi trường thực tập cho sinh viên, tích cực tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp và hỗ trợ sinh viên các ngành KHCB tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhà trường đã và đang tích cực tham gia các chương trình trao đổi, hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu với các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong nước và trên thế giới nhằm phát triển chương trình đào tạo tiên tiến, chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo liên kết với nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên có năng lực tham gia học tập, nghiên cứu các ngành KHCB.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/dao-tao-khoa-hoc-co-ban-gan-voi-yeu-cau-thuc-tien-152213.html