Đào tạo lao động có tay nghề: Cơ hội và thách thức
Phát triển nguồn nhân lực được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thức tầm quan trọng đó, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích đào tạo lao động có tay nghề.
Xây dựng Trường Cao đẳng Lào Cai thành trường trọng điểm trong hệ thống đào tạo nghề quốc gia, thu hút lượng lớn sinh viên từ các tỉnh lân cận về học nghề, sau đó ở lại làm việc, gắn bó với Lào Cai đang là một trong những chủ trương của tỉnh để giải bài toán thiếu nguồn nhân lực lao động có tay nghề cao.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thời gian qua, Trường Cao đẳng Lào Cai đã liên kết, hợp tác với hơn 100 doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác đối ngoại, hợp tác với các tổ chức, trường đại học, cao đẳng của nước ngoài, qua đó giúp giảng viên, học sinh, sinh viên có cơ hội học tập, làm việc, nâng cao phương pháp giảng dạy, tiếp cận phương pháp đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai, nhà trường ưu tiên xây dựng 7 nghề trọng điểm để đầu tư theo 3 cấp độ (quốc tế, ASEAN, quốc gia), là: Điện công nghiệp; nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn; hướng dẫn du lịch; quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; công nghệ ô tô; thú y và nghề hàn. Đến nay, tỷ lệ học sinh, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt hơn 80%.
Toàn tỉnh hiện có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 1 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại các huyện, thị xã, thành phố với năng lực đào tạo khoảng 9.500 lao động/năm, tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt 87,1%.
Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ năm 2021 đến nay, tổng số học viên, học sinh, sinh viên tốt nghiệp là 26.806 người, đạt 81,45%, trong đó tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi trình độ cao đẳng, trung cấp các ngành/nghề trọng điểm tương đối cao. Tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp, hoàn thành khóa học là 75,2%. Mức thu nhập học sinh học các nghề trọng điểm từ 7 - 10 triệu đồng/tháng, các nghề còn lại từ 3 - 7 triệu đồng/tháng.
Nhiều học sinh, sinh viên được các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ trả lương trong thời gian thực tập từ 4,5 - 7,5 triệu đồng/tháng, nhiều em được doanh nghiệp ký kết hợp đồng tuyển dụng ngay trong thời gian thực tập, như khách sạn Victoria, Hotel de la Coupol, khách sạn Silkpath, khách sạn Đức Huy, Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Tohoku Pioneer Việt Nam...
Từ năm 2021 đến hết tháng 9/2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo được 32.475/ 58.000 người, đạt 56% kế hoạch cả giai đoạn 2021 - 2025, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 66,7% (tăng khoảng 1,67% so với năm 2020).
Thông qua các chính sách đào tạo nghề đã bổ sung lực lượng lao động có tay nghề tham gia các lĩnh vực kinh tế then chốt của tỉnh, như du lịch - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nâng cao chất lượng dịch vụ và năng suất lao động ở các ngành nghề doanh nghiệp cần như điện, hàn, công nghệ ô tô, xây dựng; nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng; nấu ăn, pha chế; hướng dẫn viên du lịch; dịch vụ y, dược, điều dưỡng; tiếng Trung; nông - lâm nghiệp…
Lào Cai đang trong thời kỳ “dân số vàng”, với lực lượng trong độ tuổi lao động chiếm 62,1% dân số. Mặc dù có lợi thế về nguồn nhân lực, nhưng đó cũng là thách thức đặt ra về vấn đề tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là tạo ra lực lượng lao động có trình độ, tay nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Theo ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mặc dù số người trong độ tuổi lao động của tỉnh nhiều nhưng chất lượng nguồn nhân lực, nhất là tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ (tính từ 1 tháng trở lên) ở khu vực nông thôn, vùng cao, biên giới còn thấp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Thiếu lao động lành nghề, lao động có trình độ kỹ thuật cao, trong khi đó, lao động giản đơn đang chiếm 66,1%.
Mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đã đạt khoảng 66,7% nhưng trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ từ 1 tháng trở lên rất thấp, chỉ chiếm khoảng 29%. Nguyên nhân chính là do trình độ nhận thức của một số người dân là người dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa quan tâm đến việc học nghề. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chủ yếu tuyển lao động phổ thông vào làm việc theo kiểu cầm tay chỉ việc, hạn chế tuyển lao động có bằng cấp, chứng chỉ để giảm thiểu chi phí tiền lương…
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lào Cai phấn đấu đào tạo mới, bồi dưỡng và đào tạo nâng cao tay nghề cho khoảng 58.000 lao động; đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 32%; giải quyết việc làm cho 61.000 lao động, trong đó có 37.000 lao động là người dân tộc thiểu số.
Để làm tốt các nhiệm vụ đề ra trong cả giai đoạn, thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút lao động đi học nghề, làm việc trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề, đồng thời nâng cấp xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang - thiết bị; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên giáo dục nghề nghiệp. Thúc đẩy liên kết, hợp tác, phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin thị trường lao động, đào tạo, gắn việc làm giữa nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp - nhà nông, giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh/khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, tạo sự đồng thuận, vào cuộc của các ngành, các địa phương và người dân, người lao động, học sinh, sinh viên đối với công tác giáo dục nghề nghiệp…