Đào tạo, nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 cho đội ngũ y, bác sĩ tại chỗ
Bên cạnh việc hỗ trợ các tỉnh phía Nam chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, các đoàn y, bác sĩ chi viện giàu kinh nghiệm cũng thực hiện nhiệm vụ quan trọng là tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ của các địa phương.
Nâng cao năng lực chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 cho đội ngũ y bác sĩ
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Tiền Giang, số ca mắc mới và diễn biến nặng tăng nhanh, ghi nhận nhiều trường hợp tử vong, để kịp thời đáp ứng nguồn nhân lực về chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng, ngày 23/8, đoàn công tác Bộ Y tế, đoàn chi viện của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô phối hợp với các y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang đã tiến hành mở lớp tập huấn nâng cao năng lực điều trị cho các y, bác sĩ tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Tham gia lớp tập huấn có 30 y, bác sĩ và 14 điều dưỡng thuộc các chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, nội khoa, ngoại khoa… tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Nội dung khóa tập huấn bao gồm những công tác quan trọng trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, như thở oxy dòng cao HFNC, thở máy không xâm nhập, thở máy xâm nhập, lọc máu, tim phổi nhân tạo (ECMO). Khóa đào tạo dự kiến được chia làm 2 đợt, mỗi đợt kéo dài trong 14 ngày, với các nội dung lý thuyết và hướng dẫn thực hành.
Bác sĩ Hoàng Trọng Hanh - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Huế, Tổ trưởng Tổ điều trị đoàn công tác Bộ Y tế tại Tiền Giang, cho biết: Lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng lâm sàng trong công tác chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh nhân COVID-19, các học viên sẽ được hướng dẫn và thực hành ngay tại Trung tâm hồi sức tích cực của tỉnh theo phân tầng điều trị đã được Bộ Y tế quy định.
“Công tác tập huấn, đào tạo sẽ cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các học viên, việc đào tạo sẽ gồm học lý thuyết và thực hành theo kiểu cầm tay chỉ việc, qua đó nâng cao năng lực cho các nhân viên y tế, đặc biệt là tại tầng điều trị thứ 2 và 3 nhằm giảm tỉ lệ bệnh nhân nặng và giảm số ca tử vong…” - bác sĩ Hoàng Trọng Hanh nói thêm.
Các nội dung tập huấn sẽ được các giảng viên là các bác sĩ về hồi sức, cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cung cấp những kiến thức tối cần thiết cho các y, bác sỹ tại các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
“Trước tình dịch bệnh lan rộng, ghi nhận nhiều ca bệnh nặng tử vong ở Tiền Giang, hy vọng trong thời gian tới với sự hỗ trợ và giúp sức hết lòng của đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện tuyến Trung ương, đội ngũ y, bác sĩ tại Tiền Giang sẽ sớm tiếp thu và thuần thục được những kiến thức, kỹ năng trong công tác theo dõi, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, từ đó giảm số ca bệnh nặng, tử vong xuống thấp nhất có thể, khống chế được dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh.” - ông Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Đoàn công tác Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ sở điều trị tại Bến Tre và Trà Vinh triển khai nhiều khóa đào tạo tiếp theo nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, giúp hệ thống y tế của các tỉnh sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Chuyển giao kỹ thuật điều trị bệnh nhân và cách đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh COVID-19 cho tuyến tỉnh
Trong hai ngày 20 và 21/8, Tổ Công tác của Bộ Y tế hoạt động thường trực tại ba tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với nhiệm vụ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã tiến hành chuyển giao, đào tạo một số kỹ thuật điều trị bệnh nhân COVID-19 và cách đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG tại hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.
Tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, Tổ Công tác phối hợp Sở Y tế Cà Mau tổ chức lớp tập huấn trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm điều trị COVID-19 cho các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh tại các huyện, thành phố của tỉnh Cà Mau.
Chương trình đào tạo cung cấp cho đội ngũ y, bác sĩ những hướng dẫn giám sát, theo dõi trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19 như: nhận biết khi bệnh nhân suy hô hấp, phương pháp điều trị và kỹ thuật sử dụng máy thở trong điều trị; điều trị bệnh nhân có diễn tiến nặng và chăm sóc bệnh nhân COVID-19.
Bác sĩ Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau chia sẻ, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc tập huấn chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình điều trị COVID-19 là rất cần thiết, giúp đội ngũ y, bác sĩ làm công tác điều trị cập nhật kiến thức mới, áp dụng các kinh nghiệm điều trị hiệu quả của tuyến trên để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại tuyến tỉnh, huyện đạt hiệu quả, hạn chế thấp nhất trường hợp bệnh nhân tiến triển nặng và tử vong do COVID-19.
Bên cạnh đó, Tổ Công tác cũng hướng dẫn nhóm phân tích dữ liệu dịch bệnh của hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu cách thức thu thập, phân tích số liệu dịch bệnh, qua đó thực hiện đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG; cách vẽ bản đồ phân vùng nguy cơ dịch bệnh COVID-19 của tỉnh với hình ảnh cảnh báo ở các mức độ đến từng thôn/ấp, xã/phường, huyện/thành phố bằng phần mềm Qris.
Bác sĩ Trần Hoài Đảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu cho biết, với phương pháp vẽ bản đồ cung cấp thông tin chi tiết tình hình dịch bệnh, cảnh báo mức độ an toàn tại từng khu vực xã, phường, huyện, thị trấn, thành phố, được cập nhật số liệu liên tục hàng ngày từ các báo cáo, biểu hiện một cách trực quan, sinh động, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, các cấp, các ngành thuận lợi hơn trong việc đánh giá và dự báo nguy cơ dịch bệnh theo 4 mức “Nguy cơ rất cao”, “Nguy cơ cao”, “Nguy cơ”, “Bình thường mới” cho từng địa bàn, từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng qua lại giữa các khu vực liên xã, liên huyện.
Sau Cà Mau và Bạch Liêu, Tổ Công tác của Bộ Y tế sẽ tiến hành chuyển giao những kỹ thuật này cho ngành y tế tỉnh Sóc Trăng.