Đào tạo nâng cao năng lực, góp phần hỗ trợ tác giả khởi nghiệp thành công

Sản xuất heo dẻo mác mật, dầu gội thảo mộc, khô heo mác mật, hồng treo gió, thịt lợn hun khói và sấy khô, bánh nướng nhân bí xanh… là những dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) mà sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Góp phần vào những thành công đó, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tích cực, chủ động triển khai nhiều chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các tác giả khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ việc tạo ra sản phẩm đến việc kinh doanh thành công là một chặng đường dài đòi các tác giả khởi nghiệp phải có rất nhiều kỹ năng. Những kỹ năng này không tự nhiên có được mà phải tích lũy từ thực tế và thông qua đào tạo, tập huấn.

Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ thuyết trình về ý tưởng trước hội đồng tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ thuyết trình về ý tưởng trước hội đồng tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Trang bị kiến thức, kỹ năng cho các tác giả khởi nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của từng dự án. Thời gian qua, sở đã chủ động phối hợp với các chuyên gia trong cả nước về lĩnh vực KNĐMST, các công ty truyền thông… trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong quá trình khởi nghiệp cho các tác giả. Qua những chương trình đào tạo như vậy, không ít tác giả đã khởi nghiệp thành công.

Xác định đối tượng cần được trang bị kỹ năng KNĐMST là các tác giả đã có dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi KNĐMST cấp tỉnh bởi những dự án này đều đã có sản phẩm cụ thể và mong muốn được hỗ trợ để tiếp tục phát triển, Sở KH&CN đã phối hợp với các đơn vị có uy tín hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp và một số công ty truyền thông, tổ chức sự kiện; mời chuyên gia trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ năng cho học viên.

Trong quá trình khởi nghiệp, các tác giả phải thường xuyên giao tiếp, thuyết trình để gọi vốn đầu tư, quảng bá cũng như bán sản phẩm. Chính vì vậy, tại các khóa đào tạo, tập huấn, kỹ năng giao tiếp được các chuyên gia hướng dẫn đầu tiên với những nội dung như xây dựng câu chuyện về sản phẩm, giới thiệu về dự án, giới thiệu về bản thân, trình chiếu, thuyết trình, quảng bá sản phẩm, tương tác với khách hàng… Nhờ đó, học viên đã xây dựng được phong thái bình tĩnh, tự tin khi đứng trước đám đông, nói về dự án của mình.

Song song với đó, các khóa đào tạo, tập huấn còn tập trung hướng dẫn học viên định hình sản phẩm của mình trên thị trường; kết nối xây dựng các kênh bán hàng truyền thống, phát triển cửa hàng trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; xây dựng dự án kinh doanh; kỹ năng quản lý; kế hoạch truyền thông; định hướng phát triển sản phẩm; hoàn thiện sản phẩm, dự án, ý tưởng... Trong quá trình học tập, học viên được “cầm tay chỉ việc” viết dự án tham gia các cuộc thi KNĐMST cấp khu vực và toàn quốc.

Nhờ đó, tác giả đã tự tin tham gia những cuộc thi lớn và dành được giải thưởng cao như: dự án “Chế biến heo dẻo mác mật” của chị Lăng Thị Thơ, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng đạt giải khuyến khích và 3 giải phụ gồm: giải chụp hình sản phẩm chuyên nghiệp, giải tư vấn về sở hữu trí tuệ, phiếu mua sắm vật tư nông nghiệp tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức; dự án "Phát triển chuỗi giá trị Hồng Vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc tày nùng vùng biên giới xứ Lạng" của chị Vương Thị Thương, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng đạt giải nhất cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức…

Chị Ma Thị Mây, thôn Nà Cà, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định chia sẻ: Lấy doanh thu trừ đi chi phí mua hàng là ra tiền lãi. Đó là công thức mà tôi dùng để tính tiền lãi khi mới khởi sự kinh doanh, chính vì vậy, mặc dù kinh doanh có lãi nhưng không thấy tiền, thậm chí còn bị thâm hụt. Khi được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn của Sở KH&CN tổ chức, tôi mới biết, công thức tính lãi trong kinh doanh không đơn giản như vậy mà phải tính cả chi phí nhân công, điện nước, hao mòn cơ sở vật chất, công vận chuyển… Số tiền còn lại sau khi trừ tất cả những khoản kể trên mới được tính là tiễn lãi. Nhờ đó, tôi đã biết tính toán hiệu quả hơn.

Từ năm 2022 đến nay, Sở KH&CN đã phối hợp và tổ chức 6 khóa đào tạo, tập huấn cho trên 200 lượt tác giả có dự án tham gia Cuộc thi KNĐMST tỉnh Lạng Sơn, thành viên Câu Lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp. Cùng đó, sở cũng tổ chức 8 lớp tập huấn cho trên 900 lượt người là tác giả có dự án tham gia các Cuộc thi KNĐMST, đội ngũ cố vấn, huấn luyện viên KNĐMST tại các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, sở còn kết nối tạo điều kiện cho nhiều tác giả khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình đào tạo về thương mại điện tử, nâng cao năng lực hoàn thiện dự án, sản phẩm ý tưởng khởi nghiệp...

Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn phù hợp, thiết thực với các tác giả khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2022 đến nay, Sở KH&CN đã phối hợp và tổ chức 6 khóa đào tạo, tập huấn cho trên 200 lượt tác giả có dự án tham gia Cuộc thi KNĐMST tỉnh Lạng Sơn, thành viên Câu Lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp. Cùng đó, sở cũng tổ chức 8 lớp tập huấn cho trên 900 lượt người là tác giả có dự án tham gia các Cuộc thi KNĐMST, đội ngũ cố vấn, huấn luyện viên KNĐMST tại các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.

THỤC QUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dao-tao-nang-cao-nang-luc-gop-phan-ho-tro-tac-gia-khoi-nghiep-thanh-cong-5016692.html