Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Chợ Đồn

Để góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm, thu nhập cho người dân và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện Chợ Đồn đã và đang tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Đồn tổ chức bế giảng lớp đào tạo nghề "Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi" tổ chức tại xã Bằng lãng.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Đồn tổ chức bế giảng lớp đào tạo nghề "Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi" tổ chức tại xã Bằng lãng.

Theo lãnh đạo UBND huyện Chợ Đồn, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao, UBND huyện giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các địa phương để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và nguồn vốn được giao, đặc biệt là nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể.

Trong đó, cơ quan chuyên môn đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách liên quan tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân. Đồng thời, khảo sát nguồn nhân lực và nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong, ngoài tỉnh để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp.

Là đơn vị có vai trò chủ đạo trong thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, ông Hứa Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Đồn cho biết: Năm 2024, đơn vị thực hiện đào tạo nghề cho người lao động thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với 10 lớp, số lượng khoảng 350 học viên; với Tiểu dự án 3 - Dự án 5 “Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 22 lớp.

Các ngành nghề đào tạo căn cứ theo nhu cầu, đăng ký của người dân, gồm: Nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; Nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thủy cầm; Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; Sản xuất, chế biến thức ăn hỗn hợp trong chăn nuôi; Chế biến món ăn; Kỹ thuật xây dựng... Đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Đồn đã tổ chức được 04 lớp thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 4 với 140 học viên; 15 lớp thuộc Tiểu dự án 3 - Dự án 5 với 525 học viên.

Qua trao đổi, anh Nông Văn Lăng ở xã Bằng Lãng tham gia lớp đào tạo nghề "Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi"; chị Hứa Thị Dành ở xã Quảng Bạch tham gia lớp đào tạo nghề "Nuôi và phòng trị bệnh cho lợn" do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Đồn tổ chức cho biết: Qua lớp học mọi người nắm được kiến thức cơ bản về chăm sóc, phòng dịch cho đàn vật nuôi. Các kiến thức này sẽ giúp nâng cao hiệu quả hơn so với cách thức chăn nuôi truyền thống mà các hộ dân vẫn áp dụng. Chắc chắn rằng hiệu quả thu được sẽ là động lực để các hộ mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

 Thực hành tại lớp đào tạo nghề "Chế biến món ăn" do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Đồn tổ chức tại xã Xuân Lạc.

Thực hành tại lớp đào tạo nghề "Chế biến món ăn" do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Đồn tổ chức tại xã Xuân Lạc.

Thực tế cho thấy, nội dung các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, kết hợp tư vấn nghề nghiệp nên học viên tiếp thu tốt kiến thức được truyền đạt. Những người đã tham gia đào tạo nghề được cải thiện kỹ năng nghề nghiệp, biết vận dụng và phát huy tương đối hiệu quả những kiến thức đã học vào thực tiễn, góp phần tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động và cải thiện thu nhập.

"Nhìn chung, các lớp đào tạo nghề đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người lao động duy trì, mở rộng các mô hình kinh tế. Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu trên và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đơn vị tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch và phân công công việc cụ thể cho giảng viên. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn để người dân lựa chọn, tham gia các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, quy hoạch phát triển sản xuất và điều kiện tự nhiên của địa phương. Cùng với đó, chủ động, tích cực phối hợp trong tổ chức đào tạo nghề để giúp nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm, thu nhập cho người dân", ông Hứa Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Đồn cho biết./.

Hoàng Vũ

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-o-cho-don-post65915.html