Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số

Sáng 30/7, Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp tổ chức tọa đàm 'Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số: Thực trạng và các cơ hội'.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024. Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết: Hiện nay, nước ta có khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức. Số lao động phi chính thức làm các công việc có trình độ cao (nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao, nhà chuyên môn kỹ thuật bậc trung; nhân viên văn phòng) chỉ chiếm khoảng 1,9%.

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại buổi tọa đàm.

Theo ông Nguyễn Thành Lợi, những năm gần đây, do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các loại hình kinh tế phi chính thức mới đã hình thành, như “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế chia sẻ”, “Kinh tế tự do”... dựa trên nền tảng trực tuyến (qua ứng dụng công nghệ) như: Bán hàng trực tuyến (online), giao hàng (shipper), lái xe công nghệ (Grab, Uber)...

Đây là những hình thức việc làm mới dựa trên ứng dụng công nghệ và đang ngày càng phát triển, tạo ra số lượng lao động khu vực phi chính thức ngày càng lớn ở nước ta. Điều dễ nhận thấy, công nghệ là cơ hội, nhưng cũng là rào cản đối với người lao động, nhất là lao động trẻ khu vực phi chính thức chưa qua đào tạo, hoặc mới được đào tạo kỹ năng nghề trình độ thấp.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Lợi, những vấn đề mà người lao động khu vực phi chính thức đang gặp phải đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) là cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nhận ra và đã có một số nội dung sửa đổi lớn.

“Buổi tọa đàm được tổ chức ở thời điểm Bộ LĐTBXH đã xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và đang lấy ý kiến của các tổ chức và cá nhân góp ý, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám vào tháng 10/2024. Hy vọng, những khuyến nghị của các diễn giả trong buổi tọa đàm hôm nay sẽ góp thêm tiếng nói để cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tham khảo và có những đề xuất góp ý cho dự thảo luật này” - ông Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.

Các chuyên gia trao đổi tại buổi tọa đàm.

Các chuyên gia trao đổi tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cũng cho biết, lao động phi chính thức ở nước ta vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Theo ông Tạ Việt Anh, việc làm phi chính thức vốn được coi là những việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định, tuy nhiên, nhiều lao động vẫn chấp nhận gắn bó với công việc này trong thời gian dài. Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật có thể là nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc của mình, mặc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu.

Điều đáng nói, khu vực lao động phi chính thức còn phải chịu sức ép gián tiếp từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thế giới và Việt Nam đang ở trong nền kinh số - thời kỳ mà Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người. Kỷ nguyên số cũng tác động làm biến đổi thị trường lao động, nhiều ngành nghề, công việc truyền thống, thủ công bị xóa bỏ, nhiều lao động ở các quốc gia sẽ mất đi việc làm.

Mặt khác, nó cũng sẽ mở ra cơ hội cho nhiều ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ ngày càng cao hơn. Vì vậy, để có một nền kinh tế phát triển và bền vững, cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ngắn hạn, nhằm dần chuyển đổi mô hình, tăng tỷ lệ lao động từ phi chính thức sang chính thức.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia gồm: Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH); Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội; Ông Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam… đã trao đổi nhiều ý kiến, qua đó làm rõ hơn về thực tế bức tranh công tác đào tạo nghề ngắn hạn dành cho người lao động đang làm việc tại khu vực phi chính thức, lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp cùng các đối tượng khác.

Các chuyên gia cũng đề cập tới những chính sách đào tạo nghề mà Nhà nước đã, đang triển khai mang đến những hiệu quả. Đặc biệt, các chuyên gia đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, trở ngại của công tác đào tạo nghề ngắn hạn và đề xuất các giải pháp nhằm mục đích tăng số lượng người lao động phi chính thức được tham gia đào tạo nghề, góp phần trang bị kỹ năng nghề, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm trong nền kinh tế số.

Những nội dung, khuyến nghị tại buổi tọa đàm đặc biệt là những khuyến nghị để sửa đổi Luật Việc làm liên quan đến đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong buổi tọa đàm hôm nay sẽ góp thêm tiếng nói để các cơ quan chức năng, các đại biểu Quốc hội tham khảo, từ đó có những quyết định thấu đáo trước khi bấm nút thông qua dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

P.Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-phi-chinh-thuc-dap-ung-yeu-cau-cua-nen-kinh-te-so-174435.html