Đào tạo nghề cho lao động vùng dân tộc thiểu số: Đưa lớp học về cơ sở

Với phương châm đào tạo nghề theo nhu cầu và tổ chức lớp học tại khu dân cư, những khóa học nghề tại vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã mang lại cho người dân kiến thức, kỹ năng tổ chức sản xuất mới hiệu quả. Qua đào tạo, người dân đã có thêm việc làm và tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Học viên xã Văn Hán (Đồng Hỷ) thực hành kỹ thuật thâm canh và sản xuất chè.

Học viên xã Văn Hán (Đồng Hỷ) thực hành kỹ thuật thâm canh và sản xuất chè.

Nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng về Chỉ thị số 19-CT/TW “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, huyện Đồng Hỷ đã tích cực triển khai các chính sách về dạy nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN), từ đó cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS & MN giai đoạn 2021-2030, từ năm 2021 đến 2025, trên địa bàn huyện đã thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 3 “Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS & MN” thuộc dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

Theo đó, đến hết năm 2024, huyện đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo 5 lớp nghề với tổng số người được học nghề trình độ sơ cấp là 154 người (100% là người đồng bào DTTS) thuộc các xã Văn Lăng, Tân Long, Nam Hòa, Văn Hán. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là: chế biến chè xanh, chè đen, nuôi và phòng trị bệnh cho gà, kỹ thuật chế biến món ăn.

Ông Hà Huy Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện: Là đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo nghề và tổ chức lớp học, Trung tâm đã khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân nên công tác đào tạo nghề thu hút được đủ và đúng đối tượng. Lớp dạy nghề được tổ chức tại nhà văn hóa các khu dân cư, xây dựng ô mẫu ngay tại gia đình học viên, dựa trên nguyên tắc lấy điển hình nhân rộng mô hình.

Với nghề nông nghiệp, đa số học viên có sẵn đất sản xuất, vật nuôi nên khi học xong có thể áp dụng ngay tại gia đình. Đối với nghề phi nông nghiệp, Trung tâm đã đưa giáo viên và thiết bị dạy học, thực hành về các trung tâm xã, tạo điều kiện cho học viên theo học đầy đủ và không phải mất thêm chi phí đi lại, tạm trú xa nhà… Trong phân phối chương trình dạy nghề, Trung tâm thiết kế dành trên 40% thời gian thực hành và học đến đâu thực hành ngay đến đó theo hình thức “cầm tay truyền nghề”.

Ông Chu Văn Ngoan, dân tộc Nùng, người có uy tín ở xóm La Đùm, xã Văn Hán, sau khi tham gia lớp học nghề chế biến chè (năm 2023) đã tổ chức lại quy trình thâm canh, chế biến khép kín để nâng giá trị sản phẩm trà khô từ 120.000 đồng lên trên 200.000 đồng/kg. Nhờ được tập huấn về khoa học - kỹ thuật về thâm canh, chế biến chè kết hợp chăm sóc rừng trồng, gia đình ông đã vận dụng vào thực tế sản xuất một cách hiệu quả. Với 2ha rừng và trên 1ha chè, năm 2024, gia đình ông có thu nhập gần 160 triệu đồng. Từ kết quả này đã truyền cảm hứng thoát nghèo, làm giàu cho hàng chục hộ đồng bào DTTS ở địa phương.

Lớp thực hành kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà tại xã Văn Lăng (Đồng Hỷ).

Lớp thực hành kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà tại xã Văn Lăng (Đồng Hỷ).

Tương tự, ông Trần Văn Hồ là một trong những người uy tín tiêu biểu tại vùng đồng bào DTTS xóm Lân Quan, xã Tân Long đã vận động người dân tham gia lớp học nghề nuôi và trị bệnh cho gà (tổ chức đầu năm 2024). Đến nay, hơn 30 học viên sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp đã có thể tự kiểm soát dịch bệnh, phân biệt thuốc phòng ngừa bệnh, liều lượng tiêm cho gà hiệu quả. Sau gần 1 năm vận dụng kiến thức đã học, mỗi hộ học viên đã có trên 100 con gà thương phẩm bán theo đơn đặt hàng trong dịp Tết Ất Tỵ này. Từ kết quả này, ông Hồ và một số gia đình trong xóm dự định mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng gia trại.

Đối với nghề chế biến món ăn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã tổ chức cho gần 100 học viên tại các xã Văn Lăng, Tân Long, Nam Hòa, đến nay trên 60 học viên đã có việc làm ổn định tại các bếp ăn bán trú, hoặc phục vụ bếp ăn tập thể cho các trường học vùng sâu, vùng xa. Có việc làm mới sau đào tạo, bước đầu lao động nông thôn vùng DTTS của huyện đã có sự chuyển dịch cơ cấu việc làm từ nông, lâm nghiệp sang dịch vụ, phi nông nghiệp.

Việc lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia kết hợp với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm đã giúp bà con vùng DTTS trên địa bàn huyện có thêm điều kiện thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế. Tính riêng trong 2 năm qua (2023-2024), trên địa bàn huyện giảm 998 hộ nghèo là người DTTS, tương ứng với 8,38% (vượt 5,3% kế hoạch)… Kết quả đạt được sẽ tạo đà cho mục tiêu giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng ngay chính mảnh đất quê hương.

Trinh An

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202501/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-vung-dan-toc-thieu-so-dua-lop-hoc-ve-co-so-c9c1df1/