Đào tạo nghề cơ khí theo tiêu chuẩn sản xuất xanh bền vững

Ngày 2-7, tại thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra tọa đàm 'Đào tạo nghề lĩnh vực cơ khí, theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng sản xuất xanh bền vững'.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: H.Phạm

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: H.Phạm

Sự kiện trong khuôn khổ tuần lễ kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành cơ khí, công nghệ số, điện và điện tử năm 2024, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Hội doanh nghiệp cơ khí - điện thành phố (HAMEE) tổ chức.

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoài Nam cho rằng, việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.

PGS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ đề xuất các giải pháp tại buổi tọa đàm. Ảnh: H.Phạm

PGS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ đề xuất các giải pháp tại buổi tọa đàm. Ảnh: H.Phạm

Theo Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành kinh tế - dịch vụ của thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 82% tổng nhu cầu.

Các đại biểu cho rằng, lực lượng lao động qua đào tạo cho khu vực công nghiệp còn thiếu, đặc biệt là đối với lĩnh vực cơ khí - tự động hóa trong thời đại công nghiệp 4.0 - lĩnh vực xương sống cho mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 của Việt Nam.

Trong đó, nhân sự công nghệ cao, đặc biệt lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo đang thiếu nghiêm trọng. Đó là thách thức lớn cho cung ứng đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ chuyển đổi cơ cấu trong thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Tham quan các sản phẩm ngành cơ khí, công nghệ số, điện và điện tử. Ảnh: H.Phạm

Tham quan các sản phẩm ngành cơ khí, công nghệ số, điện và điện tử. Ảnh: H.Phạm

Theo PGS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, ngành tự động hóa trở thành một phần rất quan trọng và không thể tách rời trong việc hiện đại hóa và số hóa doanh nghiệp giúp phát triển bền vững cho đất nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Từ thực tế trên, PGS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ đề xuất các giải pháp cải tiến mang tính chiến lược tổng thể nhằm đào tạo được nguồn nhân lực trình độ quốc tế về cơ khí - tự động hóa của thành phố Hồ Chí Minh như xây dựng mới chương trình đào tạo cơ khí - tự động hóa trên cơ sở tạo lập và phát triển tư duy đổi mới và sáng tạo của người học, đáp ứng với công nghiệp 4.0; phát triển kỹ năng số (Digital skills development), bắt đầu từ việc đào tạo và phát triển những kỹ năng số nguồn nhân lực, khả năng thích ứng và linh hoạt trong công việc.

Các đại biểu cũng đề xuất, Nhà nước có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc tăng cường đào tạo nghề trong lĩnh vực cơ khí và tự động hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng sản xuất xanh.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dao-tao-nghe-co-khi-theo-tieu-chuan-san-xuat-xanh-ben-vung-670969.html