Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) luôn xác định công tác giải quyết việc làm đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Do đó, hoạt động đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động luôn được huyện chú trọng, quan tâm.
Kết quả vượt kỳ vọng
Nhằm kịp thời cung ứng nguồn lao động đã qua đào tạo, nên hàng năm, huyện Mèo Vạc đều tiến hành rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm; khảo sát nhu cầu học nghề của người dân; xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và tổ chức đào tạo nghề tại các địa phương. Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về việc học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Qua đó, giúp người lao động có kiến thức để áp dụng, phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc cho biết, năm 2022, thông qua các chương trình giải quyết việc làm, huyện đã tạo việc làm cho 13.028 lao động, đạt 731,5% so với kế hoạch. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu lao động và đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh là 8.896 lao động, đạt 995,08% so với kế hoạch. Số lao động tạo việc làm mới tại các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh 4.352 lao động đạt 486,8% so với kế hoạch năm.
Trưởng phòng Tư vấn - Giới thiệu việc làm, thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang Nguyễn Xuân Trường cho biết thêm, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phát triển đa dạng với nhiều hình thức đào tạo phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán dân cư. Quá trình triển khai, các hình thức dạy nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng trên địa bàn.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, huyện Mèo Vạc đã giải quyết việc làm mới cho trên 7.000 lao động đạt 360%/ kế hoạch năm, trong đó đi xuất khẩu lao động và làm việc ngoài huyện cho trên 1.200 lao động, đạt trên 100 % kế hoạch. Thực hiện mở 19 lớp đào tạo nghề cho 660 lao động, đạt 120% kế hoạch. Huyện tổ chức các đoàn đến tham quan hướng nghiệp, khảo sát thực tế tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Qua đó, giúp nâng cao năng lực, đổi mới nội dung công tác hướng nghiệp gắn với yêu cầu của thị trường lao động...
Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề
Hiện nay, huyện Mèo Vạc có trên 52.400 người trong độ tuổi lao động, chiếm 55,43% tổng dân số. Trong đó, trên 71% là lao động nông thôn, chủ yếu tham gia sản xuất nông - lâm nghiệp. Mặc dù, nguồn lao động dồi dào, nhưng phần lớn vẫn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nên không đáp ứng được trình độ chuyên môn, kỹ thuật của các doanh nghiệp.
Anh Sùng Mí Dơ, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc chia sẻ “Trước đây, công việc của tôi chủ yếu là làm nương rẫy nên chỉ đủ ăn chứ không dư giả gì; sau khi được cán bộ tuyên truyền, tôi đã tham gia phiên giao dịch việc làm của tỉnh và được giới thiệu vào công nhân tại Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam. Tôi không có trình độ chuyên môn nên cũng chỉ làm những việc tay chân. Thôi thì cứ làm được ngày nào hay ngày đấy dù gì đi làm như thế này thu nhập vẫn tốt hơn làm nương rẫy”.
Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mèo Vạc Trần Thị Lan cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện những năm qua vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, trình độ người dân còn nhiều hạn chế, nhiều lao động chỉ thích làm việc thời vụ, không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Việc tuyên truyền chủ trương, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm chưa được thường xuyên, hình thức triển khai chưa phong phú. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn có nơi chưa gắn kết với nhu cầu tuyển dụng và chủ yếu được dạy lưu động tại các xã. Đáng nói, người học sau khi tốt nghiệp có việc làm với mức thu nhập không cao nên việc duy trì việc làm của người lao động thiếu bền vững.
“Trước thực trạng đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động, liên kết vùng để cung ứng lao động và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền và định hướng nghề nghiệp đối với người dân, nhất là học sinh các trường THCS, THPT và Phổ thông Dân tộc Nội trú. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người lao động và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.” bà Lan nhấn mạnh.