Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

PTĐT - Thực hiện Đề án 'Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020' theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền...

Sau khi học nghề, 85% lao động nông thôn ở Thanh Thủy có thể tự tạo việc làm hoặc tiếp tục sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế.

Sau khi học nghề, 85% lao động nông thôn ở Thanh Thủy có thể tự tạo việc làm hoặc tiếp tục sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế.

PTĐT - Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ sở dạy nghề trên địa bàn huyện Thanh Thủy đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức về nghề nghiệp trong nhân dân. Từ đó tạo nhiều việc làm mới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo thống kê, toàn huyện Thanh Thủy có gần 50.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó trên 33.000 lao động đã qua đào tạo và truyền nghề. Để thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao nhất, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, gắn trách nhiệm giữa địa phương với các cơ sở dạy nghề trong quy trình tuyển sinh, đào tạo nghề, sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo. Đặc biệt tập trung đi sâu vào tuyên truyền, vận động, tư vấn các nghề trọng điểm như: Du lịch - dịch vụ; may mặc, may công nghiệp; cơ khí, điện nông thôn và một số nghề phi nông nghiệp khác. Trong những năm qua, huyện Thanh Thủy đã tổ chức hai hội thảo lớn: “Khởi sự doanh nghiệp và vấn đề việc làm cho lao động nông thôn” và “Du lịch Đảo Ngọc và cơ hội việc làm cho lao động nông thôn huyện Thanh Thủy”, thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tượng lao động tham gia. Cùng với đó, hàng năm, huyện căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, rà soát nhu cầu học nghề của người dân… đảm bảo tạo được việc làm sau khi học nghề và đề xuất các danh mục nghề để kịp thời bổ sung, đáp ứng nhu cầu của người dân.Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã giúp người lao động thấy rõ lợi ích của việc tham gia học nghề, giai đoạn 2010 - 2015, toàn huyện đã đào tạo nghề cho trên 3.300 học viên, trong đó có 59 lớp học các nghề nông nghiệp với trên 2.000 học viên; 38 lớp học nghề phi nông nghiệp với gần 1.300 học viên. Trong giai đoạn này, trên địa bàn huyện đã phát triển được nhiều ngành nghề thế mạnh, truyền thống của địa phương như làm tương tại xã Thạch Đồng, đan lát tại xã Hoàng Xá, trồng hoa, cây cảnh tại xã Tân Phương, nuôi cá nước ngọt tại xã Sơn Thủy; trồng chè tại xã Phượng Mao… Giai đoạn 2016 - 2020, việc tư vấn tuyên truyền công tác dạy nghề tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều mã nghề mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng hoa lan; nuôi cá lồng ở sông Đà; nuôi gà thả đồi tại xã Tân Phương; trồng bưởi trên đất đồi tại xã Trung Nghĩa… huyện phấn đấu đào tạo nghề cho gần 1.800 học viên với 33 lớp nông nghiệp và 21 lớp phi nông nghiệp. Ông Đỗ Quốc Trọng - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thanh Thủy cho biết: Để việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, huyện đã mời các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi… tham gia truyền dạy nghề. Cùng với đó, các kế hoạch, chương trình, giáo trình đào tạo tập trung vào các nghề có thế mạnh của địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch, như: Nghiệp vụ lễ tân, dịch vụ nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, làm tương, trồng và nhân giống nấm… Sau khi được đào tạo, nhiều người được giới thiệu tuyển dụng vào các cơ sở sản xuất, nhà máy, khu du lịch - dịch vụ, góp phần đắc lực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Đặc biệt, tỷ lệ người học nghề phi nông nghiệp để chuyển dịch cơ cấu lao động ở Thanh Thủy khá lớn, bước đầu đáp ứng được nhu cầu lao động làm việc có năng suất, chất lượng trong các ngành du lịch, dịch vụ…Có thể thấy, hoạt động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Thủy để tổ chức đào tạo nghề, cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo là “mô hình tiêu chuẩn” cho việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm hiện nay. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện sẽ thường xuyên phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tổ chức hội nghị hàng năm với sự tham gia của các doanh nghiệp, người lao động để các bên cùng trao đổi, tìm hiểu nhu cầu người lao động, yêu cầu về trình độ, tay nghề của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong việc dạy nghề, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Hoàng Giang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202010/dao-tao-nghe-gan-voi-giai-quyet-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-173561