Đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động
Đồng Hỷ đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về lựa chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế.
Từng tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi gà, chị Vũ Thị Hạnh, ở tổ dân phố Tướng Quân, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ) chia sẻ: Những kiến thức học được giúp tôi thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng dịch cho đàn gà của gia đình. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn trước đây. Trung bình, gia đình tôi chăn nuôi 9.000 con gà/lứa, thu nhập gần 400 triệu đồng/năm, cao gấp 2-3 lần so với chăn nuôi tự phát, không có kỹ thuật như trước kia.
Không chọn nghề nông nghiệp, khi nhận thấy nhu cầu nấu cỗ tại địa phương có xu hướng tăng, một số chị em ở các xã Nam Hòa, Văn Hán đã đăng ký học nghề kỹ thuật chế biến món ăn. Sau khi học thành nghề, các chị em cùng học đã liên kết mở dịch vụ nấu cỗ phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương.
Chị Trần Thị Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Hòa, bộc bạch: Thông qua lớp dạy nghề, các chị em được học thêm nhiều kỹ năng, nắm bắt cách thức chế biến đồ ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng, trình bày đẹp mắt. Do đó, sau khi học nghề, các chị em được nhiều người tin tưởng thuê nấu cỗ.
Tương tự nghề kỹ thuật chế biến món ăn, một số nghề phi nông nghiệp khác cũng thu hút khá đông lao động nông thôn tham gia học, như lái xe ô tô, may mặc, nghiệp vụ du lịch…
Chị Vương Thị Si, ở xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, nói: Huyện Đồng Hỷ có kế hoạch xây dựng Bản Tèn thành khu du lịch, với các loại hình đặc trưng là trải nghiệm văn hóa, du lịch cộng đồng. Trong đó, điểm nhấn là Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông được tổ chức định kỳ hàng năm. Bởi vậy, tôi mong muốn được đào tạo nghề về du lịch để góp sức đưa Bản Tèn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các cơ sở dạy nghề quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, công tác tuyên truyền, tư vấn nghề và việc làm cho lao động nông thôn dần đi vào chiều sâu, phù hợp với điều kiện thực tế cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có nhiều chuyển biến. Người lao động đã nhận thức được ý nghĩa thiết thực của công tác đào tạo nghề, lựa chọn ngành nghề để đăng ký học phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và hoàn cảnh bản thân. Cùng với đó, việc triển khai đồng bộ các chính sách đào tạo nghề đối với người học, người dạy và các cơ sở đào tạo nghề thời gian qua đã góp phần khích lệ, thu hút người lao động tham gia học nghề.
Trong giai đoạn 2021-2023, huyện Đồng Hỷ đã mở được 17 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với trên 530 người tham gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đến hết năm 2022 đạt 60%, trong đó lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 28%.
Theo kế hoạch, năm 2023, huyện Đồng Hỷ phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%, trong đó lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 28,5%.
Bên cạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện còn quan tâm hỗ trợ hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo... vay vốn tín dụng ưu đãi và định hướng chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 2,35%.
Theo ông Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong công tác giảm nghèo, tập trung hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế; tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong đó, duy trì các mô hình kinh tế, hợp tác xã, tổ hợp tác để tạo việc làm cho người lao động; huy động các nguồn lực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của địa phương…