Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện. Thông qua các lớp dạy nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng) giúp người dân nâng cao nhận thức, kiến thức, áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐNT; giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Buổi học thực tế của lớp đào tạo sơ cấp nghề “Nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu, bò” tại xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Trà Hương

Buổi học thực tế của lớp đào tạo sơ cấp nghề “Nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu, bò” tại xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Trà Hương

Vừa qua, huyện Vĩnh Tường khai giảng lớp đào tạo sơ cấp nghề “Nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu, bò” tại xã Phú Đa với 33 học viên.

Trong thời gian 3 tháng, các học viên được tiếp thu kiến thức về điều kiện chăn nuôi, giống, thức ăn, nuôi dưỡng, chăm sóc trâu, bò đúng quy trình kỹ thuật; xác định được nguyên nhân, triệu chứng, bệnh tật, chẩn đoán và phương pháp phòng trị bệnh thường gặp ở trâu, bò... Kết thúc khóa đào tạo, học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH.

Ông Nguyễn Doãn Kiểm, thôn Thượng, xã Phú Đa cho biết: "Gia đình tôi đang nuôi bò sinh sản và bò thịt theo phương thức truyền thống, tự học hỏi cách chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế không cao. Được biết, huyện có mở lớp sơ cấp về nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, tôi đã đăng ký tham gia học với mong muốn có thêm kiến thức để áp dụng vào chăm sóc đàn bò tại gia đình, nuôi dưỡng đàn bò to khỏe, mau lớn, bán được giá cao. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, tạo ra sản phẩm có giá trị cung cấp cho thị trường".

Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Tường Nguyễn Thanh Tùng cho biết: "Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT phát huy hiệu quả, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương bám sát nhu cầu thực tế học nghề của lao động và định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của tỉnh để hỗ trợ đào tạo, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động.

Từ đầu năm đến nay, huyện đã mở 2 lớp đào tạo nghề sơ cấp “Nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu, bò” tại xã Phú Đa; "Trồng rau an toàn" tại xã Vĩnh Sơn. Việc đào tạo, mở lớp học nghề đã đáp ứng nhu cầu của người lao động, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và gắn với giải quyết việc làm tại chỗ.

Thời gian tới, huyện sẽ khảo sát, mở thêm các lớp đào tạo phù hợp với nhu cầu của người lao động; tập trung vào các nghề phù hợp với thực tế phát triển nông nghiệp của địa phương và kế hoạch, định hướng phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh như nuôi và phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm; trồng rau an toàn; chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… với các đối tượng chính như người khuyết tật, lao động nữ, đối tượng chính sách, người có đất bị thu hồi để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Để LĐNT tích cực, chủ động tham gia học nghề, Trung tâm Dạy nghề Minh Tiến, huyện Yên Lạc đã gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại chỗ. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã mở 17 lớp dạy nghề sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng; trong đó có 13 lớp học nghề may công nghiệp, 4 lớp học nghề đan lát thủ công mỹ nghệ, thu hút hơn 600 học viên tham gia.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Minh Tiến cho biết: "Với mục tiêu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, trung tâm chủ động thu hút, đào tạo nghề cho lao động thuộc các xã lân cận trên địa bàn huyện như Nguyệt Đức, Yên Phương, Tam Hồng…; đồng thời, ký hợp đồng với các công ty và có trách nhiệm giải quyết việc làm cho các học viên tham gia khóa học. Sau khóa đào tạo, đã có 95% số học viên tìm được việc làm ổn định.

Hiện, trung tâm có một xưởng may công nghiệp thu hút hơn 400 lao động với thu nhập ổn định từ 3-6 triệu đồng/người/ tháng; hợp tác với một số công ty để đặt hàng đan lát thủ công mỹ nghệ, giúp học viên được thực hành và có thu nhập thêm trong giai đoạn học nghề...".

Với mục tiêu phấn đấu trong năm 2022, toàn tỉnh sẽ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 21.000 người lao động (trong đó, đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ là 1.263 người), tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp, tăng cường truyền thông về vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; khảo sát, bổ sung nhu cầu học nghề của người lao động; phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng…

Qua đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm nghèo bền vững, chuyển dịch cơ cấu lao động và thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Minh Thu

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/78801/dao-tao-nghe-gan-voi-nhu-cau-thuc-tien.html