Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn của DN

Mô hình kết hợp giữa đào tạo nghề tại nhà trường gắn với nhu cầu thực tiễn của DN vừa được triển khai tại Hà Nội.

Ngày 30/6, tại Hà Nội đã diễn ra lễ kỹ kết Biên bản ghi nhớ 3 bên giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) với Trường CĐ Nghề kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội và Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình về việc triển khai, thực hiện mô hình kết hợp giữa đào tạo nghề tại nhà trường gắn với nhu cầu thực tiễn của DN.

Theo nội dung Biên bản được ký kết, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ tiếp nhận giảng viên, giáo viên Trường CĐ Nghề kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội đến thăm quan thực tế, học sinh đến thực hành, thực tập; trao học bổng hỗ trợ cho học sinh, sinh viên của nhà trường; tham gia hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí cho sinh viên, thí sinh, chuyên gia của nhà trường tham gia các kỳ thi kỹ năng nghề trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thỏa thuận hợp tác và xác định lộ trình, kế hoạch cụ thể với Trường CĐ Nghề kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội trong triển khai đào tạo nghề Vệ sinh công trình xây dựng và Giám sát thi công công trình; phối hợp với Trường trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu làm việc theo tiêu chuẩn khu vực và thế giới.

Ngoài ra, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cử chuyên gia tham gia quá trình đào tạo, đóng góp ý kiến xây dựng, cập nhật nội dung chương trình đào tạo, đóng góp ý kiến, xây dựng, cập nhật nội dung chương trình đào tạo đang thực hiện tại Trường CĐ Nghề kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội đối với các nghề thuộc lĩnh vực xây dựng.

Trong khi đó, Trường CĐ Nghề kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội sẽ chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai mô hình nhà trường và DN thí điểm, đồng thời làm thủ tục trình Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc thành lập Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đối với các nghề trong lĩnh vực xây dựng theo quy định hiện hành.

Bên cạnh trách nhiệm mỗi bên, Trường CĐ Nghề kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội và Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hợp tác đã được các bên trao đổi, thống nhất. Đó là phối hợp đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia thị trường lao động trong nước cho các nghề trong lĩnh vực xây dựng: Cấp thoát nước; Điện; Điện tử tự động hóa; Cơ khí; Hàn. Đồng thời đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình về chuyên môn, công tác quản lý, an toàn lao động và tham gia quá trình đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

Hai bên cũng thống nhất lộ trình tổng thể và triển khai các kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện các nội dung đã được thống nhất, đồng thời phối hợp tổ chức các chương trình, hội thảo khoa học, hội nghị, tọa đàm, tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh.

Tại buỗi lễ, Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Trường CĐ Nghề Kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội đã được các đại diện: Ông Lê Văn Chương - Phó vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), ông Đào Vũ Nguyên - Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và bà Trần Thanh Xuân - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội ký kết. Đây là một trong những sự kiện quan trọng và mang nhiều ý nghĩa, vừa giúp Trường CĐ Nghề kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội nâng cao chất lượng dạy và học; đồng thời tạo điều kiện để Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiếp cận nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, chất lượng cao để hiện thực hóa mục tiêu đưa Thương hiệu Quốc gia Hòa Bình trở thành niềm tự hào của ngành Xây dựng Việt Nam trên trường quốc tế.

Đây là một trong những sự kiện quan trọng và mang nhiều ý nghĩa, vừa giúp Trường CĐ Nghề kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội nâng cao chất lượng dạy và học; đồng thời tạo điều kiện để Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiếp cận nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, chất lượng cao.

Trần Hà

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/dao-tao-nghe-gan-voi-nhu-cau-thuc-tien-cua-dn-283206.html