Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm để giảm nghèo đa chiều

Xác định đào tạo nghề gắn với tạo việc làm là điều căn bản để giảm nghèo đa chiều, bền vững và ổn định an sinh xã hội, huyện Nguyên Bình chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo.

Theo báo cáo của UBND huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), tới đầu năm 2024, huyện còn hơn 4.100 hộ nghèo, trong năm qua có 576 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm 6,58%. Tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương này hiện chiếm hơn 44% tổng số hộ toàn huyện; tỷ lệ hộ cận nghèo trên 20%.

Xác định đào tạo nghề gắn với tạo việc làm là điều căn bản để giảm nghèo đa chiều, bền vững và ổn định an sinh xã hội, huyện Nguyên Bình trong nhiều năm qua chú trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo.

Để thực hiện mục tiêu này, huyện Nguyên Bình ưu tiên bố trí nguồn lực từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, lãnh đạo huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, tuyển sinh học nghề và xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ dân tộc thiểu số.

Huyện Nguyên Bình trong nhiều năm qua chú trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Huyện Nguyên Bình trong nhiều năm qua chú trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Huyện tích cực thực hiện quy chế phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, đến nay có 44 lao động đăng ký đi làm việc; hỗ trợ 12 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với số tiền trên 174 triệu đồng. Trong năm qua, hơn 930 lao động được giải quyết việc làm mới, vượt kế hoạch giao.

Năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình khác, huyện đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng đào tạo nghề cho 818 học viên là lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ đầu năm đến nay, gần 800 học viên của nhiều xã đã tham gia 25 lớp đào tạo nghề chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, trâu, bò tại 5 xã: Minh Tâm, Hưng Đạo, Vũ Nông, Thành Công, Ca Thành; chuyển giao kỹ thuật trồng cây lê, đào, mận tại xã Vũ Nông; đào tạo nghề trồng chè, cây dong riềng tại xã Thành Công và dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Hoa Thám.

Bên cạnh đó, huyện quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi và hỗ trợ định hướng chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tính đến ngày 31/5, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nguyên Bình đã giải ngân hơn 71,5 tỷ đồng cho 929 lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Trong đó, nguồn vốn vay giúp tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động nông thôn; xây dựng trên 84 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, nâng cao đời sống sinh hoạt, sức khỏe cho người dân; xây dựng, sửa chữa trên 22 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách... Điều này đã góp phần tích cực giải quyết an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đa chiều.

Nhiều học viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Nguyên Bình sau khi được đào tạo qua lớp dạy nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện đã mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc, thiết bị, mở của hàng sửa chữa xe máy phục vụ bà con. Sau một thời gian, họ đã trả hết nợ, có thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo...

Gia đình bà Nguyễn Thị Đẹp, xóm Nà Khoang, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình cũng được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 120 triệu đồng từ 2 chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm. Sử dụng vốn vay ưu đãi để khai thác tiềm năng đất đai phù hợp với trồng rừng, cây dược liệu, gia đình bà Đẹp mạnh dạn đầu tư trồng hơn 1 ha keo và quế. Đến năm 2024, đường kính của cây đạt 12-15cm, dự kiến sau 10 năm sẽ cho thu nhập.

Lãnh đạo huyện Nguyên Bình thẳng thắn nhìn nhận công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn gặp khó khăn. Theo đó, phần lớn lực lượng lao động tại địa phương đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, những người ở nhà chủ yếu người quá độ tuổi lao động, không biết chữ, không thuộc đối tượng được đào tạo theo quy định.

Việc học viên tham gia thường xuyên các lớp học nghề cũng khó đảm bảo do người lao động phải lo mưu sinh trong cuộc sống, không thể sắp xếp thời gian. Ngoài ra, việc mở lớp đào tạo nghề được thực hiện trực tiếp tại xóm, thôn, vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong đi lại, làm cản bước không ít giáo viên đứng lớp, trong khi chế độ thù lao còn khiêm tốn. Hơn nữa, các lớp đào tạo nghề cũng khó khăn trong điều kiện vận chuyển thiết bị giảng dạy...

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dao-tao-nghe-gan-voi-tao-viec-lam-de-giam-ngheo-da-chieu-2321221.html