Đào tạo nghề góp phần giảm nghèo bền vững tại Như Thanh

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Như Thanh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng nghề nghiệp, tiếp cận với nghề mới, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Người dân tham gia lớp đào tạo nghề chế biến món ăn do UBND huyện Như Thanh tổ chức.

Người dân tham gia lớp đào tạo nghề chế biến món ăn do UBND huyện Như Thanh tổ chức.

Năm 2024, chị Ngân Thị Nhất ở thôn Thanh Quang, xã Thanh Tân cùng 34 học viên trong xã tham gia lớp đào tạo nghề chế biến món ăn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do UBND huyện Như Thanh tổ chức. Sau 3 tháng học nghề, chị đã nắm được kiến thức, kỹ năng nấu nướng đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề và nhận chứng chỉ, chị Nhất đã xin được việc làm tại trường mầm non trên địa bàn xã. Cùng với chị Nhất, nhiều người tham gia các lớp đào tạo nghề đã tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định.

Công chức chính sách - xã hội xã Thanh Tân Nguyễn Thị Nam cho biết: Năm 2024 xã cùng với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã khảo sát nhu cầu học nghề của người dân và vận động được 315 người thuộc các thôn tham gia các lớp đào tạo nghề như: chế biến món ăn, nghiệp vụ du lịch gia đình, trồng trọt, chăn nuôi. Nội dung học khá phong phú, thiết thực, nên ngoài những người đăng ký tham gia học thì vẫn có một số người đến để nghe thêm, học thêm các kỹ năng, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi.

Từ năm 2020-2024, UBND huyện Như Thanh cùng với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã tổ chức 47 lớp đào tạo nghề nông thôn, cấp chứng chỉ cho 1.645 học viên. Các lớp đào tạo nghề chủ yếu tập trung các nghề như kỹ thuật chế biến món ăn, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ du lịch... Sau khi tham gia đào tạo nghề người dân tìm được việc làm phù hợp, tiếp cận được khoa học - kỹ thuật, có kinh nghiệm áp dụng vào đời sống, tạo thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo.

Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Như Thanh Trần Anh Tuấn cho biết: Học viên tham gia các lớp đào tạo nghề là hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số. Họ là lao động chính của gia đình, vì vậy khi mở các lớp đào tạo nghề huyện đều hướng đến nhu cầu thực tế của người dân và tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Qua giám sát cho thấy, đa số học viên sau khi học nghề đều áp dụng kiến thức được học vào trong lao động sản xuất và tìm được việc làm phù hợp. Nhờ đó, trong những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giảm nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,13%; hộ cận nghèo giảm còn 2,65%.

Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, huyện Như Thanh đã cụ thể hóa các nội dung nhiệm vụ đào tạo nghề trong các đề án, kế hoạch như: Đề án nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp và đào tạo nghề huyện Như Thanh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Như Thanh.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Tiểu dự án 3, dự án 5 về “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn huyện Như Thanh” năm 2023 và 2024, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các phòng, ban liên quan, các xã, thị trấn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho người lao động, khuyến khích người lao động tích cực đăng ký tham gia các lớp đào tạo nghề.

Hằng năm, huyện chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các ngành chức năng, các địa phương tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn. Trên cơ sở đó, huyện chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giáo dục hướng nghiệp cho người lao động và đề xuất với cấp trên phân bổ chỉ tiêu các ngành nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng, các địa phương tập trung đa dạng hóa các loại hình dạy nghề, giúp người dân nâng cao trình độ và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giáo dục định hướng, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT sang giáo dục nghề nghiệp; tổ chức tuyển sinh và đào tạo theo quy định. Vì vậy, ý thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Như Thanh vẫn còn những bất cập như: Nhiều địa phương có diện tích tự nhiên rộng, dân cư phân bổ không đồng đều, trình độ dân trí còn hạn chế; công tác tuyên truyền về đào tạo nghề ở một số địa phương còn hạn chế, nên việc mở các lớp đào tạo nghề còn gặp khó khăn.

Với mục tiêu đặt ra năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 84%, huyện Như Thanh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề đến người dân; thường xuyên tổ chức điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo học nghề và định hướng nghề nghiệp gắn với nhu cầu thực tế cho người lao động...

Bài và ảnh: Quỳnh Chi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dao-tao-nghe-gop-phan-giam-ngheo-ben-vung-tai-nhu-thanh-34574.htm